Vũ khí hạt nhân Mỹ có an toàn ở châu Âu?
00:12 27/08/2008: Các căn cứ không quân ở châu Âu, nơi cất giữ các bom hạt nhân của Mỹ, hiện nay không đáp ứng đủ các yêu cầu về an ninh để bảo vệ cho các vũ khí này, theo một báo cáo mới được đưa ra theo Đạo luật Tự do Thông tin.

Mỹ hiện nay đang cất giữ khoảng 350 quả bom nhiệt hạch ở 6 nước NATO. Tại bốn trong số các quốc gia này - gồm Bỉ, Đức, Italy và Hà Lan - vũ khí được cất tại các căn cứ không quân và được bảo vệ bởi các lực lượng đặc biệt của Mỹ.

 

Theo một báo cáo nội bộ Không lực Mỹ, các căn cứ trên hiện nay không đáp ứng được các yêu cầu của Bộ Quốc phòng, các hạng mục như hàng rào và hệ thống an ninh cần phải được sửa chữa, nhân sự không đủ và nhân viên an ninh nước ngoài không được đào tạo đầy đủ.

 

Báo cáo có tên "The Blue Ribbon Review of Nuclear Weapons Policies and Procedures" từng khiến dư luận xôn xao hồi tháng 2 với một bản tóm tắt kết quả kiểm tra, trong đó thừa nhận một sai sót lớn trong lĩnh vực an toàn vũ khí hạt nhân vốn đã dẫn tới vụ một máy bay B52 tình cờ mang 6 đầu đạn hạt nhân bay xuyên Mỹ năm ngoái.

 

Tuy nhiên, theo bản đầy đủ của báo cáo mà Hans Kristensen, thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS), có được và đưa lên blog của ông, thì điều mà các nhà điều tra của Không lực Mỹ thực sự lo lắng là sự an toàn của các vũ khí ở châu Âu.

Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng các đội bảo vệ vũ khí Mỹ được đào tạo rất bài bản, báo cáo khẳng định có "nhiều mâu thuẫn trong đội ngũ nhân sự, các cơ sở và trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ của nước chủ nhà". Đặc biệt, báo cáo nói rõ rằng, nhiều yếu tố tại một số cơ sở cần phải được sửa chữa, bao gồm các tòa nhà hỗ trợ, hàng rào, ánh sáng và các hệ thống an ninh.

Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Bỉ, chỉ huy Olivier Séverin, bác bỏ thông tin rằng an ninh rất lỏng lẻo ở Căn cứ Không quân Kleine Brogel, đông bắc nước này, nơi FAS ước tính Mỹ cất giữ khoảng 20 quả bom.

"Chúng tôi đã chuyên nghiệp hóa đội ngũ bảo vệ ở tất cả các cơ sở của mình. Không hề có lính nghĩa vụ mà toàn là lính chuyên nghiệp. Không chỉ có vậy, tất cả đều được huấn luyện chuyên biệt về an ninh tại các căn cứ không quân. Bằng chứng là không có vụ việc nào quan trọng xảy ra tại các cơ sở của chúng tôi", ông Séverin khẳng định.

 

Các chuyên gia cho biết, các khoá trên bom nhiệt hạch B61 - mạnh gấp 10 lần quả bom ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản - có tác dụng bảo vệ chúng khỏi bị kích hoạt nếu bị đánh cắp. Tuy nhiên, nguyên liệu cấp độ vũ khí của nó có thể được tháo rời và được dùng để chế biến bom bẩn, hoặc thậm chí là một thiết bị hạt nhân thô.

 

Để tránh xảy ra một viễn cảnh khủng khiếp như vậy, báo cáo đề xuất rằng các vũ khí của Mỹ ở châu Âu nên được "củng cố vững chắc", điều được các chuyên gia hiểu như một lời đề nghị di chuyển các quả bom tới các căn cứ của NATO dưới sự "bảo vệ của Mỹ", có nghĩa là các căn cứ Mỹ ở châu Âu.

Tuy nhiên, một động thái như vậy sẽ phương hại đến thoả thuận "chia sẻ gánh nặng" vốn là trọng tâm trong chính sách quân sự của NATO kể từ khi khối này thành lập.

Theo Vietnamnet 20/06/2008

 

Online: 5
Số lượt truy cập: 10303793
Lên đầu trang
SSL