Nhà máy điện nguyên tử nổi đầu tiên trên thế giới
00:12 12/12/2008: Nó sẽ là một nhà nổi 9 tầng đặt trên biển. Chiều dài của nhà máy điện nổi này là 140m, chiều rộng 30m, lượng giãn nước 21 ngàn tấn. Nhà máy đầu tiên dự kiến được đặt tại thành phố Severodvinsk của Nga. Công suất phát điện của nó là 70MW, công suất nhiệt - 150G calori mỗi giờ. Số năng lượng đó đủ dùng cho 200 ngàn dân.

Mỗi mùa đông, khi các làng tại những vùng cực bắc của nước Nga bị lạnh cóng, người ta không còn tính đến chi phí nữa và nhiên liệu được đưa đến bằng đường hàng không hoặc trên các tàu phá băng. Đó là lúc các nhà thiết kế lò phản ứng nguyên tử lại tiếp tục bị thúc giục. Bởi vì nếu những dự án do họ lập ra được thực hiện thì thậm chí người dân của những khu vực hẻo lánh sẽ không còn lo sự thiếu hụt năng lượng điện nhiệt. Cuối cùng, cách đây không lâu, quyết định xây dựng nhà máy nhiệt điện nguyên tử nổi cũng đã được thông qua.

Việc đưa nhà máy nhiệt điện nguyên tử nổi vào hoạt động sẽ có ý nghĩa quyết định đối với ngành năng lượng nguyên tử. Theo thời gian, cùng với các nhà máy nguyên tử lớn, tại Nga có thể sẽ xuất hiện hàng chục, thậm chí hàng trăm nhà máy điện nguyên tử quy mô không lớn. Trong cuộc phỏng vấn do báo “Lao động” (Nga) thực hiện, Phó giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga, ông Vladimir Uruvski cho biết về những ưu thế của nhà máy nhiệt điện nguyên tử nổi và chi tiết về việc thực hiện dự án tiên phong này.

Ngay từ năm 1991 tại Liên Xô đã tổ chức một cuộc thi quốc tế để tìm dự án tốt nhất cho nhà máy điện nguyên tử nổi. Các nhà thiết kế và khoa học Liên Xô đã chiến thắng. Ngay trong năm đó, trước khi Liên Xô tan  rã, 10 điểm dân cư đã được ấn định sẽ xây dựng nhà máy nhiệt điện nguyên tử công suất nhỏ, cả cố định lẫn nổi. Tuy nhiên, kế hoạch đã không được thực hiện do thiếu kinh phí mặc dù việc thiết kế chi tiết và xây dựng khối năng lượng nổi (KNLN) không đòi hỏi chi phí lớn.

Thêm vào đó việc hoàn vốn và thu được lợi nhuận lớn là chắc chắn. Tuy vậy người ta không tìm được vốn và nhà đầu tư. Trong những năm 90, nền kinh tế Nga chịu cơn khủng hoảng kinh tế nặng nề, hơn nữa nhóm thiết kế đã không đủ sức thuyết phục về hiệu quả của dự án. Tuy nhiên trong những năm đó họ đã kịp hoàn thiện thiết kế, nhận được kết luận của hàng chục ủy ban giám định, trong đó có cả các tổ chức xã hội về sinh thái...

Thân tàu cho KNLN đã được thỏa thuận làm ở Trung Quốc, vì nước này đưa ra những điều kiện có lợi nhất cho phía Nga: đối tác sẽ tự bỏ vốn làm thân tàu, nghĩa là bên đặt hàng - Hãng RosEnergoAtom nhận được một khoản tín dụng lớn cho một thời hạn dài. Thêm vào đó những người đóng tàu Trung Quốc đã có uy tín lớn trên thế giới, giá của họ thấp hơn so với các nhà máy đóng tàu của Nga. Hợp đồng đã ký với Trung Quốc có trị giá 86,5 triệu USD.

Lò phản ứng và tất cả các thiết bị năng lượng sẽ được sản xuất ở Nga. Việc hoàn thiện trạm được dự kiến thực hiện trong Nhà máy quốc phòng lớn “Sevmash” tại thành phố Severodvinsk. Từ đó KNLN sẽ lên đường đi vào hoạt động.

Người ta nhiều lần xem xét việc tận dụng các tàu ngầm nguyên tử hết hạn sử dụng để làm nhà máy điện nguyên tử nổi, tuy nhiên phương án này được coi là không có lợi về mặt sinh thái, cũng như về kỹ thuật. Các tính toán cho thấy việc làm lại tàu ngầm nguyên tử thành công trình năng lượng đắt hơn nhiều so với xây dựng trạm nổi mới.

KNLN được xây dựng theo một thiết kế rất độc đáo. Đó sẽ là một nhà nổi 9 tầng. Nó sẽ không tự di chuyển được trên biển, mà cần có tàu kéo trợ giúp. Khối năng lượng sẽ được bố trí bên cạnh một cầu tàu đặc biệt. Chiều dài của nhà máy điện nổi này là 140m, chiều rộng 30m, lượng giãn nước 21 ngàn tấn.

KNLN đầu tiên dự kiến được đặt tại thành phố Severodvinsk, sẽ cung cấp năng lượng điện và nhiệt cho xí nghiệp “Sevmash”. Công suất phát điện của nó là 70MW, công suất nhiệt - 150G calori mỗi giờ. Số năng lượng đó đủ dùng cho một thành phố với 200 ngàn dân. Việc xây dựng sẽ được bắt đầu vào năm sau, kết thúc vào năm 2011. Thời hạn hoạt động của KNLN này là 40 năm.

Tất cả chi phí sẽ được hoàn vốn trong 12 năm. Với vốn đầu tư kể cả đào tạo nhân sự khoảng 6 tỉ rúp (gần 210 triệu USD), tiền thu được từ năng lượng điện là 46 tỉ rúp, từ năng lượng nhiệt là 61 tỉ rúp. Nói chung lợi nhuận trong quá trình khai thác sẽ vượt quá 65 tỉ rúp. Thêm vào đó ngân sách ở mọi cấp, kể cả cho việc bảo vệ môi trường xung quanh, sẽ thu được hơn 43 tỉ rúp.

Những người phản đối từ phong trào “Hòa bình xanh” cho rằng việc sử dụng nhà máy nguyên tử nổi nhất định gây nhiễm xạ đối với môi trường, nhưng nhà máy được dự kiến xây dựng không chỉ sử dụng quy trình công nghệ kín, mà còn áp dụng lớp bọc kín nhiều lần. Trong khối năng lượng có 5 vỏ an toàn độc lập. Số đó lớn hơn trên bất cứ tàu ngầm hay tàu phá băng nguyên tử nào. Những nhà máy điện nguyên tử đầu tiên, dạng cố định, không có mức bảo vệ như vậy. Ngay cả khi có máy bay đâm vào khối năng lượng nổi này, nó vẫn không hề bị ảnh hưởng. Nói tóm lại sự đảm bảo an toàn là 100% trong cấu trúc.

Trước nguy cơ khủng bố, người ta đã tính đến tất cả các biện pháp cần thiết, vì trong thời gian gần đây rất nhiều kinh nghiệm bảo vệ trạm cố định đã được rút ra. Đặc điểm của trạm nổi là xung quanh nó có môi trường nước, nhưng trong trường hợp này các người nhái hay bất cứ thiết bị lặn ngầm nào cũng sẽ bị ngăn chặn từ xa.

Các nước khác, như Trung Quốc, Canada, Indonesia, Ấn Độ, Chile, Brazil..., đã tỏ ra quan tâm đến dự án này, vì khối năng lượng như vậy có thể được sử dụng đế làm ngọt nước biển. Trên thế giới hiện nay lượng nước ngọt còn thiếu lên đến hàng trăm tỉ mét khối.

Theo dự đoán của tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế, đến năm 2015 thị trường làm ngọt nước biển sẽ đạt mức 12 tỉ USD mỗi năm. Những quốc gia đặt hàng tiềm năng muốn thấy nhà máy điện nguyên tử nổi hoạt động trên thực tế, và các chuyên gia Nga hy vọng sẽ cho thế giới biết công trình của mình ở Severodvinsk. Hiện tại chưa nước nào có đồ án như vậy. Và nước Nga đang cố gắng tận dụng cơ hội của mình.

Theo Cand

Online: 50
Số lượt truy cập: 10324530
Lên đầu trang
SSL