Khả năng cung cấp thiết bị giám sát an ninh nguồn phóng xạ sử dụng di động của các đơn vị trong nước
11:11 07/05/2015: Sau sự cố mất nguồn phóng xạ của Công ty APAVE thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã chỉ đạo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) tiến hành sửa đổi Thông tư 23/2010/TT-BKHCN về hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, trong đó yêu cầu các cơ sở chụp ảnh phóng xạ công nghiệp phải lắp đặt Thiết bị định vị nguồn phóng xạ trên các thiết bị chứa nguồn phóng xạ sử dụng di động và Cục ATBXHN phải thiết lập Hệ thống giám sát nguồn phóng xạ di động kết nối với các thiết bị định vị trên.
Thiết bị định vị nguồn phóng xạ sử dụng di động phải đáp ứng được các chức năng, yêu cầu kỹ thuật sau:
a) Phải sử dụng được cơ sở hạ tầng viễn thông của Việt Nam để giao tiếp thông tin với Hệ thống giám sát nguồn phóng xạ sử dụng di động đặt tại Cục An toàn bức xạ và hạt nhân;
b) Cung cấp thông tin về suất liều bức xạ trên bề mặt thiết bị chứa nguồn phóng xạ sử dụng di động và vị trí của thiết bị chứa nguồn phóng xạ tới Hệ thống giám sát;
c) Thiết bị định vị nguồn phóng xạ sử dụng di động có tính năng kỹ thuật sau:
- Có thiết kế phù hợp với cấu trúc kỹ thuật của thiết bị chứa nguồn phóng xạ sử dụng di động, không làm ảnh hưởng đến chức năng và hoạt động thường xuyên của nguồn phóng xạ, được gắn lên trên bề mặt của thiết bị chứa nguồn phóng xạ sử dụng di động và được tháo lắp bằng dụng cụ chuyên dụng;
 - Có tính bền cơ, lý, hóa cao với khả năng chống chịu được các va đập mạnh, chống chịu thời tiết không thuận lợi (mưa, gió, nhiệt độ cao, độ ẩm cao, ngâm trong nước thời gian dài…); có khả năng hoạt động trong môi trường phóng xạ cao;
- Phải cập nhật được thông tin về suất liều bức xạ trên bề mặt thiết bị chứa nguồn phóng xạ sử dụng di động và vị trí của thiết bị chứa nguồn phóng xạ tới Hệ thống giám sát liên tục trong trường hợp nguồn phóng xạ được sử dụng, vận chuyển và lưu giữ trong kho. Đối với các trường hợp giới hạn về kỹ thuật, việc giám sát nguồn phóng xạ di động cần phải được thực hiện bằng các biện pháp quản lý và khai báo với Hệ thống giám sát.
- Phải giao tiếp được thông tin và thực hiện được các yêu cầu do Hệ thống giám sát thiết lập (có tính năng thiết lập được cấu hình thiết bị từ xa, thực hiện yêu cầu truy vấn thông tin vị trí, thông tin nguồn phóng xạ bất kỳ thời điểm nào...);
- Phải có nguồn pin dự phòng kèm theo, sử dụng được nguồn pin đi kèm và có khả năng duy trì hoạt động ít nhất 10 ngày liên tục, tuổi thọ của pin ít nhất 01 năm trong điều kiện hoạt động bình thường; pin có khả năng nạp xả nhiều lần và ổn định.
Hệ thống giám sát nguồn phóng xạ sử dụng di động được thiết lập tại Cục ATBXHN phải cung cấp được thông tin, chỉ dẫn và cảnh báo như sau:
a) Nhận biết vị trí của các nguồn phóng xạ thuộc đối tượng quản lý ở bất kỳ thời điểm nào;
b) Cho phép truy cập từ xa đối với đại diện được chỉ định của Sở Khoa học và Công nghệ và người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ có nguồn phóng xạ thuộc diện phải giám sát để biết được hiện trạng của các nguồn phóng xạ thuộc diện quản lý;
c) Thông báo cho đại diện được chỉ định của Sở Khoa học và Công nghệ qua điện thoại khi có nguồn phóng xạ sử dụng di động được chuyển đến địa phương ở bất kỳ thời điểm nào;
d) Thông báo cho người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và đại diện được chỉ định của Sở Khoa học và Công nghệ nơi nguồn phóng xạ sử dụng di động đang hoạt động khi mất tín hiệu giám sát đối với nguồn phóng xạ (không có tín hiệu về phóng xạ, mất hoàn toàn tín hiệu viễn thông). Người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ đối với nguồn phóng xạ có trách nhiệm trực tiếp xử lý và báo cáo ngay về Cục ATBXHN cũng như thông báo cho đại diện được chỉ định của Sở KH&CN biết.
Tháng 10 năm 2014, Cục ATBXHN đã thông báo rộng rãi các yêu cầu kỹ thuật nêu trên tới các cơ quan/đơn vị trong nướcliên quan, có năng lực chuẩn bị nghiên cứu thiết kế chế tạo các thiết bị giám sát an ninh nguồn phóng xạ sử dụng di động để tham gia trình diễn sản phẩm của Hệ thống giám sát an ninh nguồn phóng xạ mà Cục đặt hàng. Cục ATBXHN đã cung cấp mô hình thiết bị tham khảo của Hàn Quốc trong dự án RADLOT (RADLOT là dự án mà trong đó phía Hàn Quốc dự định sẽ cung cấp miễn phí cho Việt Nam 30 bộ thiết bị định vị nguồn phóng xạ). Cho đến lần trình diễn cuối cùng do Cục ATBXHN tổ chức vào tháng 2 năm 2015, đã có 3 nhà cung cấp tiềm năng có thể thiết kế chế tạo các thiết bị giám sát an ninh nguồn phóng xạ sử dụng di động (bao gồm cả phần cứng thiết bị và phần mềm giám sát) đáp ứng các yêu cầu cơ bản của Hệ thống giám sát an ninh nguồn phóng xạ theo đánh giá của Tổ chuyên gia tư vấn của Cục ATBXHN gồm:
1. Viện Hóa học và Môi trường Quân sự
Địa chỉ liên hệ: 282 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội
2. Viện Điện tử - Viễn Thông, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Địa chỉ liên hệ: C9 405-1 Đại Cồ Việt, Hà Nội
3. Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch – Thuộc Đại học quốc gia Tp HCM
Địa chỉ liên hệ: Tầng 7, nhà Điều hành ĐHQG TpHCM, Khu phố 6, Phường Linh Trung, Quận Thủ Đức Hồ Chí Minh Việt Nam.
Để có thể thương mại hóa các sản phẩm, Cục ATBXHN đã yêu cầu 3 đơn vị trên tiếp tục hoàn thiện các tính năng, chức năng (bao gồm cả phần cứng và phần mềm) cũng như mẫu mã của sản phẩm và phải thực hiện đăng ký chất lượng sản phẩm tại Sở KH&CN địa phương trước khi có thể đưa ra cung cấp cho thị trường trong nước. Cục ATBXHN sẽ xem xét và lựa chọn phầm mềm của Hệ thống giám sát nguồn phóng xạ di động từ một trong 3 nhà cung cấp tiềm năng nêu trên để lắp đặt tại Cục phục vụ cho công tác quản lý an ninh các nguồn phóng xạ di động. Các cơ sở chụp ảnh phóng xạ công nghiệp có thể liên hệ với 3 nhà cung cấp nêu trên để tham quan sản phẩm và lựa chọn cho mình sản phẩm tốt nhất đáp ứng yêu cầu của thiết bị định vị nguồn phóng xạ theo quy định của Thông tư 23 sửa đổi.
Cục ATBXHN
Tin bài khác
Online: 72
Số lượt truy cập: 10302887
Lên đầu trang
SSL