Điểm lại một số vụ mất nguồn phóng xạ trên thế giới những năm gần đây
11:11 07/05/2015: Trong 10 năm qua ở Việt Nam ở Việt Nam đã xả ra 6 vụ mất an toàn và an ninh nguồn phóng xạ. Gần đây nhất là vụ mất nguồn phóng xạ Co-60 tại nhà máy sản xuất phôi thép Pomina 3 thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy các nguồn phóng xạ bị mất ở Việt Nam không gây gây tổn thương lâu dài cho con người, nhưng cũng đã khiến dư luận rất quan tâm theo dõi. Ngày 13 tháng 4 năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có chỉ đạo giao Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu chủ trì phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục khẩn trương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tìm kiếm, thu hồi nguồn phóng xạ bị thất lạc nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, xem xét các dấu hiệu vi phạm quy định bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ để xử lý theo pháp luật; và giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường hiệu lực thi hành chính sách, pháp luật về bản đảm an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ.
Để cung cấp thêm thông tin cho công chúng về vấn đề mất an toàn và an ninh nguồn phóng xạ trên thế giới trong thời gian gần đây, Trang thông tin điện tử của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thống kê các dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng ngueyen tử quốc tế (IAEA) về nội dung này.
Theo báo cáo của IAEA năm 2013, đã có 615 vụ mất nguồn phóng xạ từ năm 1993 đến năm 2012, tức là trung bình mỗi năm có từ 20 đến 40 vụ vật liệu phóng xạ bị thất lạc hoặc bị đánh cắp trên thế giới. Riêng năm 2013, IAEA nhận được báo cáo về 140 vụ mất nguồn phóng xạ. Mất nguồn phóng xạ xảy ra ở rất nhiều quốc gia, tập trung phần lớn ở Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ trước đây. Cụ thể ở Nga, trong 2 năm từ 2010 đến 2011 đã xảy ra hơn 200 vụ thất lạc phóng xạ ion hoá. Ngoài ra các nước như Nam Phi, Pháp, Đức, Canada… và một số nước phát triển cũng xảy ra nhiều sự cố mất nguồn phóng xạ.
Theo thống kê trong ITDB của IAEA, từ quý I năm 2013 đến quý III năm 2014, trên thế giới đã xảy ra 266 sự cố về nguồn bức xạ. Trong đó sự cố mất nguồn phóng xạ (Loại sự cố được xếp vào Nhóm 2 theo thang phân loại sự cố của IAEA: Bị đánh cắp, mất, thất lạc và gửi lỗi) chiếm 79 sự cố rải rác trên 27 quốc gia. Số nguồn bị mất tổng cộng là 137 nguồn, chỉ có 17 vụ là thu hồi được số nguồn bị mất. Các vụ mất nguồn phóng xạ xảy ra cả với các nước phát triển và đang phát triển.
Có thể kể đến một số vụ mất nguồn phóng xạ nguy hiểm xảy ra trên thế giới trong thời gian vừa qua
  • Ba Lan:
6-3-2015: Mất 22 nguồn phóng xạ Co-60:
Thông tin từ IAEA, vào ngày 6-3-2015, tổng cộng 22 hộp chứa 22 nguồn phóng xạ Co-60, bị đánh cắp khỏi một một nhà kho ở Poznan, Ba Lan. Vụ việc đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc gia Ba Lan (PAA) báo cáo lên IAEA ngày 19/3 vừa qua.
Ngày 10-3, cảnh sát Ba Lan đã bắt 4 người, một trong số đó làm việc tại nhà kho nói trên và cáo buộc họ đánh cắp số phóng xạ Cobalt-60. Bốn người này cũng đã đánh cắp 1 tấn chì dạng thỏi trong nhà kho Poznan hồi tháng 2-2015. Các thỏi chì này được cho là có thể dùng làm vỏ bọc cho lượng phóng xạ trên.
Đến nay toàn bộ 22 hộp chứa nguồn phóng xạ vẫn chưa được tìm thấy. Số lượng Co-60 này thuộc mức độ nguy hiểm mức 4 và 5. Phơi nhiễm với mọi loại phóng xạ đều gây nguy cơ cho sức khoẻ nhưng vật liệu phóng xạ loại 4 và 5 không nguy hiểm nếu còn nguyên trong hộp.
22-11-2013: Mất 02 nguồn phóng xạ Co-60 tại nhà máy điện:
02 nguồn phóng xạ có chứa đồng vị Co-60 đã bị mất tại nhà máy điện chạy bằng than đá Belchatow (thuộc vùng Rogowiec, tỉnh Lodzkie, Ba Lan).
IAEA xác định được thời gian mất là ngày 22.11.2013, nhưng thời điểm phát hiện và trình báo với các cơ quan chức năng là vào ngày 27.11.2013.
Cả 2 nguồn phóng xạ được bảo vệ trong một khối hộp có kích thước 30cmx35cmx22cm. Trong đó, khối BA469 chứa phóng xạ Co-60 có hoạt độ 1,08GBq, trọng lượng khoảng 180kg; còn khối BA476 chứa phóng xạ Co-60 có hoạt độ 2,43GBq, trọng lượng khoảng 240kg.
Mặc dù phía nhà máy điện Belchatow và các cơ quan chức năng đã tổ chức tìm kiếm bên trong lẫn xung quanh nhà máy nhưng không có kết quả. Ngoài ra, quá trình tìm kiếm cũng lùng sục ở các vựa ve chai nhưng không mang lại manh mối tích cực.
  • Mexico:
Một xe tải chở thiết bị chứa phóng xạ Co-60 thường được sử dụng để điều trị ung thư đã bị đánh cắp vào ngày 2.12.2013 tại thành phố Tepojaco khi đang trên đường từ một bệnh viện ở Tijuana tới một trung tâm lưu trữ chất thải phóng xạ, theo thông tin từ IAEA.
Tuy nhiên, chỉ 2 ngày sau đó, chính quyền Mexico đã thông báo với IAEA rằng, chiếc xe tải đã được tìm thấy ở một cánh đồng gần thị trấn Hueypoxtla, cách nơi nó bị đánh cắp khoảng 23km.
Theo IAEA, chất phóng xạ đã bị dỡ khỏi vỏ bảo vệ. Song nó đã được chính quyền Mexico phục hồi vỏ bảo vệ hoàn toàn vào ngày 10.12, bằng cách sử dụng một robot.
Cũng theo IAEA, có thể những tay súng thực hiện vụ cướp không hề biết chất phóng xạ nguy hiểm trên xe. The Washington Post thì dẫn lại thông tin đánh giá từ các nhà chức trách, cho rằng các tay súng có thể sẽ sớm qua đời vì đã tiếp xúc với chất phóng xạ.
Vụ trộm này thu hút sự chú ý trên toàn thế giới vì theo các chuyên gia, các nhóm khủng bố có thể sử dụng Co-60 và các loại chất phóng xạ để sản xuất một quả “bom bẩn”. Mặc dù không có tác dụng gây ra một vụ nổ hạt nhân, nhưng một quả bom chứa phóng xạ Co-60 như trên có thể gây ra sự hoảng loạn lớn, gây chết người và để lại hậu quả kinh tế, môi trường nghiêm trọng.
  • Anh:
Theo thống kế ở Anh năm 2014, vật liệu phóng xạ của các công ty, bệnh viện đã bị mất hơn 30 lần trong vòng 10 năm qua. Vụ mất phóng xạ gây chú ý gần đây liên quan tới Công ty Năng lượng Hàng hải Rolls Royce, một chi nhánh của Rolls Royce và chuyên sản xuất các bộ phận cho tàu ngầm hạt nhân. Công ty này có sử dụng nguồn phóng xạ chứa chất Ytterbium -169 trong quá trình chụp X-quang công nghiệp.
Ngày 3-3-2011, công ty này để xảy ra một số sai phạm, dẫn tới mất một nguồn phóng xạ trong khoảng thời gian gần 5 tiếng đồng hồ tại khu vực Sinfin Lane. Sự cố khiến một số công nhân làm việc tại khu vực này bị phơi nhiễm với phóng xạ gamma nồng độ cao. Một vài người bị phơi nhiễm với nồng độ cao gấp nhiều lần giới hạn liều được phép.
Sự cố khiến Cơ quan Môi trường và Cơ quan Điều hành An toàn và sức khoẻ (HSE) đã phải tiến hành một cuộc điều tra chung, sau đó đã truy tố Công ty Năng lượng Hàng hải Rolls Royce sau khi phát hiện ra một số vấn đề vi phạm nghiêm trọng trong quản lý an toàn va an ninh nguôn phóng xạ.
Cụ thể, lúc 5h sáng ngày xảy ra sự cố, nguồn phóng xạ được sử dụng trong một khu vực chụp ảnh phóng xạ. Trong quá trình thử mối hàn, ống đựng phóng xạ rời khỏi giá đỡ và rơi vào một bộ phận tàu ngầm đang được kiểm tra. Việc mất nguồn phóng xạ không được những người có nhiệm vụ phát hiện ra mãi đến khi các thợ hàn trong phòng nhìn thấy cái ống và chuyền tay nhau để kiểm tra. Sau khi nhân viên chụp ảnh phóng xạ trở lại phòng làm ca tiếp theo, người này xác định đó chính là nguồn phóng xạ.
Điều tra cho thấy tay các công nhân cầm ống phóng xạ bị phơi nhiễm ở mức vượt quá liều được phép là 500 milisievert/năm. Một số người còn bị phơi nhiễm gấp 32 lần so với lượng được phép. Cơ quan môi trường và HSE kết luận rằng công ty đã không đảm bảo đánh giá đầy đủ các rủi ro cũng như quản lý hiệu quả nguồn phóng xạ khi thực hiện công việc chụp ảnh phóng xạ. Kết cục, toà án phạt Công ty Năng lượng hàng hải Rolls Royce 200.000 bảng Anh và phải trả 176.000 bảng các chi phí liên quan sau vụ mất nguồn phóng xạ.
Ngoài Rolls Royce, trong số những tên tuổi lớn ở Anh làm mất nguồn phóng xạ nguy hiểm này còn có Công ty thép Sheffield Forgemasters (làm mất 13kg uranium nghèo) năm 2008, Bệnh viện Royal Free ở London làm mất chất Cs-137 dùng trong điều trị ung thư.
Ở Anh, HSE cho biết một số công ty, tổ chức bị truy tố vì làm mất phóng xạ, nhưng một số chỉ bị cảnh cáo. Trường đại học York và Đại học Warwich chỉ nhận được lời khuyên và lời nhắc nhở về công tác bảo quản phóng xạ sau khi để mất vật liệu phóng xạ dùng trong nghiên cứu khoa học.
Thông tin nêu trên đã cho thấy việc mất an toàn và an ninh nguồn phóng xạ vẫn có thể xảy ra với cả các nước công nghiệp phát triển, nếu người sử dụng không quan tâm đầy đủ để công tác bảo đảm an toàn và an ninh nguồn phóng xạ. Do đó, công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện, đào tạo cho những người sử dụng nguồn phóng xạ cần phải được tổ chức thường xuyên. Trung tâm Thông tin và Đào tạo của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân vừa được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập đầu năm 2015 sẽ phải tham gia vào hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện và đào tạo về an toàn và an ninh nguồn phóng xạ nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt của các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ.
HM - Tổng hợp
Tin bài khác
Online: 10
Số lượt truy cập: 10322150
Lên đầu trang
SSL