Ban Soạn thảo Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) họp phiên thứ nhất
08:08 25/09/2015: Ngày 24/9/2015, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Ban Soạn thảo Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đã họp phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Trưởng Ban Soạn thảo.
Tham dự phiên họp, có các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập và đại diện các đơn vị Bộ KH&CN: Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch-Tổng hợp, Văn phòng Bộ và một số chuyên gia trong lĩnh vực này.
Nội dung chính của phiên họp thứ nhất nhằm thảo luận và thống nhất một số định hướng sửa đổi Luật NLNT năm 2008.
Tại phiên họp, Cục trưởng Cục ATBXHN Vương Hữu Tấn đã báo cáo về tình hình thi hành Luật NLNT và những bất cập của Luật. Luật NLNT được Quốc hội thông qua năm 2008 đã kịp thời thiết lập cơ sở pháp luật cơ bản trong lĩnh vực NLNT và đã có tác dụng tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng NLNT vì mục đích hoà bình ở Việt Nam, đặc biệt chương trình phát triển điện hạt nhân, cũng như bảo đảm an toàn, an ninh cho các hoạt động đó. Luật NLNT hiện hành nhìn chung đã bao hàm tương đối đầy đủ các nội dung trong lĩnh vực nguyên tử. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng còn có một số vướng mắc, bất cập; một số quy định chưa phù hợp với các khuyến cáo của IAEA và thông lệ quốc tế hoặc một số lĩnh vực chưa có quy định trong Luật cần yêu cầu hoàn thiện trong dự án Luật NLNT sửa đổi: thiết lập cơ quan pháp quy hạt nhân, cấp phép NMĐHN, không phổ biến hạt nhân và an ninh hạt nhân, thanh tra và xử lý vi phạm, ứng phó sự cố, quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, thảo dỡ và trách nhiệm bồi thường thiệt hại hạt nhân.
Mục tiêu sửa đổi nhằm giải quyết các bất cập của Luật hiện hành, bổ sung các nội dung còn chưa được quy định trong Luật NLNT năm 2008 theo các khuyến cáo của chuyên gia IAEA và nội luật hoá các quy định về nghĩa vụ tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã/sắp tham gia. Phương án sửa đổi và bố cục Luật cũng được đề xuất cụ thể tại phiên họp.

Tại phiên họp lần này, các vấn đề được đưa ra để xin ý kiến Ban Soạn thảo như thẩm quyền và mô hình của Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia, cấp phép và thanh tra các hoạt động trong lĩnh vực NLNT bao gồm cả NMĐHN, ứng phó sự cố, bồi thường thiệt hại hạt nhân, phóng xạ môi trường,…
Các đại biểu đã thảo luận và thống nhất định hướng sửa đổi và kế hoạch thực hiện dự án Luật NLNT sửa đổi 2015-2016.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh, Việt Nam xây dựng Luật NLNT xuất phát từ mong muốn phát triển lĩnh vực NLNT, trong đó có điện hạt nhân, trở thành lĩnh vực quan trọng của đất nước. Trong quá trình Luật đi vào cuộc sống, đặc biệt sau khi Quốc hội thông qua chủ trương phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam và sau sự cố Fukushima tại Nhật Bản năm 2011, đã bộc lộ nhiều bất cập của Luật cần sửa đổi. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh trách nhiệm của Ban Soạn thảo cũng như Tổ Biên tập rất nặng nề vì chúng ta còn thiếu kinh nghiệm về điện hạt nhân. Bộ trưởng đã giao nhiệm vụ cho các thành viên Tổ Biên tập giúp Ban Soạn thảo tổ chức nghiên cứu, đánh giá chi tiết việc thi hành Luật, xây dựng dự thảo, tổ chức lấy ý kiến, chuẩn bị tờ trình và tài liệu liên quan trình các cấp có thẩm quyền.
Dự kiến, dự thảo Luật NLNT (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội khoá XIV xem xét, cho ý kiến vào tháng 10/2016.
Lan Anh, Cục ATBXHN
Tin bài khác
Online: 58
Số lượt truy cập: 10305637
Lên đầu trang
SSL