GIỚI THIỆU ỨNG PHÓ KHẨN CẤP HẠT NHÂN CỦA HONG KONG
14:02 04/07/2019: Ứng phó tai nạn hạt nhân từ các nhà máy diện hạt nhân được quan tâm rất lớn của nhiều quốc gia nhất là sau tai nạn hạt nhân Fukushima. Mặc dù sau tai nạn hạt nhân Fukushima, nhiều biện pháp an toàn hạt nhân cho lò phản ứng đã được tăng cường, nhiều bài học đã được rút ra liên quan đến an toàn nội tại của lò phản ứng và an toàn liên quan đến khía cạnh rủi ro tự nhiên như động đất, sóng thần, an ninh hạt nhân,…, các quốc gia cũng đầu tư nhiều hơn về các công tác chuẩn bị và ứng phó sự cố.
Mặc dù Việt Nam đã tạm dừng chương trình điện hạt nhân vào cuối năm 2016, việc xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố hạt nhân từ các nhà máy điện vẫn là một công việc cần thiết bởi một số nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đã và đang được xây dựng gần biên giới của Việt Nam, đã có nhà máy đi vào hoạt động vài ba năm trước. Trong tình hình đó, một số tỉnh thành đã thể hiện sự băn khoăn lo lắng về các nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc, ngay thủ đô Hà Nội cũng đã đề cập đến việc ứng phó sự cố hạt nhân từ nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành, Trung Quốc cách Móng Cái 60km (Báo Tuổi trẻ, ngày 23/5/2018). Ngay tại các cuộc họp của Quốc hội cũng đã đề cập vấn đề này.
Liên quan đến công việc ứng phó sự cố, tai nạn hạt nhân, chúng tôi đang tìm hiểu những vấn đề được đặt ra trong kế hoạch ứng phó tai nạn hạt nhân của các quốc gia có biên giới chung với các quốc gia có điện hạt nhân để rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tai nạn hạt nhân.
Một trường hợp có thể nói là tương tự với Việt Nam là Hong Kong (khu kinh tế đặc biệt của Trung Quốc, 1 quốc gia 2 chế độ). Hong Kong không có nhà máy điện hạt nhân, nhưng lại nằm rất gần với 2 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đó là nhà máy điện hạt nhân Quảng Đông (GNPS) và nhà máy điện hạt nhân Lingao (LNPS), khoảng cách từ trung tâm Hong Kong đến 2 nhà máy này chỉ 50 km, và từ biên giới đến 2 nhà máy này chỉ khoảng 20 km… Ngay từ năm 1994, Hong Kong đã xây dựng kế hoạch ứng phó tai nạn hạt nhân đối với nhà máy điện LNPS của Trung Quốc.
Bài viết này là những thông tin được tổng hợp từ quá trình nghiên cứu, tìm hiểu các thông tin, tài liệu liên quan đế kế hoạch ứng phó sự cố hạt nhân của Hong Kong. Hy vọng, những thông tin này sẽ có ý nghĩa với các nhà quản lý trong quá trình chuẩn bị xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố quốc gia đối với các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc gần biên giới 2 nước.
Thông qua các tài liệu tham khảo, chúng tôi nhận thức được rằng để có thể thực hiện tốt việc  ứng phó tai nạn hạt nhân điều quan trọng bậc nhất là các cơ quan quản lý và chuyên ngành liên quan phải có năng lực thực sự, cộng với sự chỉ đạo sát sao và khả năng phối hợp nhuần nhuyễn và chặt chẽ của các cơ quan liên quan trong quá trình ứng phó như được qui định trong kế hoạch.. Kế hoạch ứng phó tai nạn hạt nhân phải đề cập đến tất cả các chuyên môn cần phải có trong khi ứng phó, hậu ứng phó… mà chúng cần phải được xây dựng năng lực ngay từ thời điểm hiện nay. Theo chúng tôi biết, hiện tại, Việt Nam ít nhiều đang sở hữu các chuyên môn này tại các cơ quan chuyên ngành và cũng đã tích lũy được đôi chút kinh nghiệm. Nhưng để ứng phó sự cố hạt nhân tốt, các chuyên môn này cần được tích lũy, nâng cấp và diễn tập định kỳ, cần có sự quan tâm, khuyến khích và tham gia hơn nữa của cơ quan chính phủ, các bộ ngành liên quan.
1. ĐÔI NÉT VỀ KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ HẠT NHÂN CỦA HONG KONG
Thông tin chung
Kế hoạch khẩn cấp hạt nhân phóng xạ vịnh Daya (DBCP) liên quan đến các biện pháp khẩn cấp được thực hiện tại Hong Kong trong trường hợp khẩn cấp hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Quảng Đông (GNPS) và nhà máy điện hạt nhân Lingao (LNPS). Hai địa điểm nhà máy điện hạt nhân này cách trung tâm Hong Kong khoảng 50-60 km.
Mặc dù khả năng xảy ra tai nạn hạt nhân tại các nhà máy này rất hiếm, nhưng việc chuẩn bị để bảo vệ sức khỏe và an toàn dân chúng ở Hong Kong là việc làm thận trọng và cần thiết.
Bản kế hoạch DBCP được ban hành lần đầu tiên vào năm 1994. Kế hoạch này được chuẩn bị trên cơ sở nghiên cứu tư vấn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Vương quốc Anh (UKAEA) thực hiện vào cuối những năm 1980 và đã được rà soát,  đánh giá thường xuyên.
Các đợt thực hành và diễn tập được thực hiện trên cơ sở liên tục để kiểm tra kế hoạch và để đảm bảo tính hiệu quả liên tục của nó.
Đánh giá rủi ro
Theo đánh giá tư vấn của UKAEA, rủi ro đối với sức khỏe của người dân Hồng Kông trong trường hợp khẩn cấp hạt nhân tại Vịnh Daya với hậu quả phóng xạ ngoài địa điểm nhà máy điện hạt nhân là rất nhỏ - thấp hơn rất nhiều so với rủi ro tương tự mà người dân Hong Kong gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Bản kế hoạch DBCP đã được chuẩn bị trên cơ sở đánh giá tư vấn của UKAEA.
Sau tai nạn hạt nhân ở Fukushima của Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011, Chính phủ Hong Kong đã tiến hành đánh giá toàn diện bản kế hoạch DBCP. Kết quả đánh giá cho thấy rằng không có sự thay đổi văn bản, tài liệu nào ảnh hưởng cơ bản đến kết luận của nghiên cứu UKAEA và các thỏa thuận của kế hoạch DBCP.
Ứng phó với tình trạng khẩn cấp hạt nhân bên ngoài vịnh Daya
Ngoài các nhà máy điện hạt nhân tại vịnh Daya, các nhà máy hạt nhân khác ở rất xa Hong Kong (nhà máy gần nhất là Taishan, cách đó khoảng 130 km), và tác động của chúng  đối với Hồng Kông là rất thấp.
Tùy thuộc vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn hạt nhân, khoảng cách của địa điểm xảy ra sự cố và điều kiện khí tượng, tác động có thể có đối với Hong Kong là khác nhau và do đó mức độ kích hoạt của DBCP sẽ được xem xét từng trường hợp cụ thể tùy theo đánh giá rủi ro có thể xảy ra.
Các biện pháp đối phó việc phơi nhiễm do đám mây phóng xạ
Đám mây phóng xạ không có khả năng ảnh hưởng đến Hong Kong, vì các nhà máy điện hạt nhân khác cách xa Hong Kong một khoảng cách nhất định. Trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân, ngay cả khi đám mây phóng xạ tới Hong Kong, mức độ phóng xạ sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống và sức khỏe của dân cư Hong Kong.
Các biện pháp kiểm soát thực phẩm và biên giới
Tai nạn hạt nhân có thể làm ô nhiễm môi trường lân cận, chuỗi thức ăn và con người gần các cơ sở hạt nhân. Hong Kong sẽ tăng cường giám sát thực phẩm và khách du lịch trở về từ khu vực liên quan. Khi cần thiết, mức độ kích hoạt phù hợp sẽ được áp dụng cho mẫu thực phẩm và các biện pháp kiểm soát ranh biên sẽ được thực hiện để đảm bảo rằng cả thực phẩm và khách du lịch trở về không bị nhiễm phóng xạ.
Các đơn vị, cơ quan có trách nhiệm sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình, đánh giá các tác động có thể có và thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo bảo vệ Hong Kong thích hợp.
Bản kế hoạch ứng phó sự cố này sẵn có trên trang web của cơ quan quan trắc của Hong Kong.
2. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CHÍNH CỦA KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ TAI NẠN HẠT NHÂN CỦA HONG KONG
HOẠT ĐỘNG CHUẨN BỊ ỨNG PHÓ TAI NẠN HẠT NHÂN
Quan trắc phóng xạ
Tại Hong Kong, công tác quan trắc phóng xạ được thực hiện đều đặn và được coi là một hoạt động rất quan trọng của công tác chuẩn bị khẩn cấp.
Công việc quan trắc phóng xạ, bao gồm đo mức phóng xạ gamma môi trường cũng như hoạt độ phóng xạ trong không khí, thực phẩm và các mẫu môi trường khác được thực hiện thường xuyên để bảo vệ sức khỏe của người dân Hong Kong.
Các cơ quan chính phủ khác nhau đang theo dõi mức độ phóng xạ ở Hong Kong:
- Hệ thống quan trắc phóng xạ khí quyển và môi trường xung quanh do cơ quan Hong kong Observatory (HKO) vận hành bao gồm 12 trạm quan trắc phân bố trên khắp lãnh thổ Hong Kong. Khi mức phóng xạ tại bất kỳ 1 trạm nào vượt quá ngưỡng sẽ có tín hiệu thông báo về trụ sở chính của HKO.
Mức phóng xạ gamma môi trường theo thời gian thực tại Hong Kong có sẵn trên trang web.
- Hệ thống quan trắc ô nhiễm nước trực tuyến do Cục cấp nước (WSD) vận hành theo dõi suốt ngày đêm mức độ phóng xạ của nước thô được nhập khẩu từ Quảng Đông. Tất cả các kết quả giám sát được đưa lên trang web của HKO và WSD. WSD sẽ thường xuyên thu thập các mẫu nước từ hệ thống cung cấp để theo dõi mức độ phóng xạ trong nước.
- Hệ thống quan trắc nhiễm phóng xạ trong chăn nuôi do Cục vệ sinh môi trường và thực phẩm thực  hiện.
- Quan trắc phóng xạ thực phẩm do Cục Vệ sinh Môi trường và Thực phẩm thực hiện tại các điểm nhập cảnh.
Cơ quan Hong Kong Observatory (HKO) vận hành chương trình quan trắc phóng xạ môi trường để theo dõi những thay đổi lâu dài về mức độ phóng xạ ở Hong Kong bằng cách sử dụng các công cụ hiện đại khác nhau. Chương trình bao gồm việc thu thập và phân tích các mẫu sau: mẫu khí, mẫu nước mưa (rơi lắng tổng cộng), nước uống, nước biển và nước ngầm, mẫu đất, mẫu sa bồi (bùn) đáy biển và bùn thủy triều.
Các chi tiết lấy mẫu và đo đạc, cũng như kết quả quan trắc qua các năm được công bố trong các báo cáo hàng năm của HKO.
Các khu vực thuộc kế hoạch khẩn cấp ở Hong Kong
Dựa trên Tiêu chuẩn của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Hong Kong lập hai Khu vực Kế hoạch Khẩn cấp (EPZ):
Khu vực EPZ1 - 20 km
Các biện pháp ứng phó với đường đi của đám mây phóng xạ bao gồm sơ tán, trú ẩn hoặc sử dụng chất ức chế tuyến giáp, sẽ được thực hiện trong khu vực có bán kính lên tới 20 km từ vị trí của các nhà máy điện hạt nhân ở vịnh Daya.
Trong lãnh thổ của Hong Kong, đảo Ping Chau là vùng đất duy nhất nằm trong khu vực này.
Khu vực EPZ2 - 85 km
Các biện pháp ứng phó với sự phơi nhiễm qua đường tiêu hóa sẽ được thực hiện trên toàn lãnh thổ, qua việc kiểm soát thực phẩm, động vật thực phẩm sống và nước được nhập khẩu từ các khu vực gần các cơ sở hạt nhân hoặc được sản xuất tại địa phương hoặc có sẵn.
Thông tin đại chúng
Trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân tại Vịnh Daya hoặc các cơ sở hạt nhân khác có thể ảnh hưởng đến Hong Kong, Chính phủ sẽ thông báo cho công chúng thông qua các thông cáo báo chí và các phương tiện truyền thông khác.
Thông tin và thông tin cập nhật có thể được lấy từ các phương tiện truyền thông đại chúng, đài phát thanh, truyền hình và trang web chính phủ dưới đây.
Thông cáo báo chí
 
Sự kiện hạt nhân và an toàn thực phẩm
Kiểm tra phóng xạ các sản phẩm cá
 
Chất lượng nước
Mức phóng xạ gamma trong không khí tại  Hong Kong
 
Công chúng có thể nhận thông tin qua ứng dụng trên điện thoại di động


 
 
HOẠT ĐỘNG ỨNG PHÓ SỰ CỐ
Quan trắc phóng xạ nâng cao
Trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân hoặc nghi ngờ là tai nạn hạt nhân, công tác quan trắc phóng xạ ở Hong Kong sẽ được tăng cường, để có được thông tin kịp thời và toàn diện về mức độ phóng xạ môi trường ở Hong Kong để đánh giá sớm các hậu quả có thể xảy ra và xác định biện pháp ứng phó cần thiết.
Các biện pháp quan trắc phóng xạ nâng cao bao gồm:
- Không khí và mặt đất:
 + Theo dõi chặt chẽ mức độ phóng xạ trong không khí thông qua hệ phổ kế Gamma tự động tại Ping Chau
 + Kích hoạt đầy đủ các thiết bị trong mạng quan trắc phóng xạ, bao gồm cả việc thu thập các mẫu không khí và nước mưa để phân tích phóng xạ
+ Thực hiện các đợt khảo sát phóng xạ trên không khẩn cấp bằng cách sử dụng hệ thống giám sát phóng xạ trên không để theo dõi mức độ phóng xạ ở các độ cao khác nhau và ở mặt đất trên lãnh thổ Hong Kong
+ Tiến hành khảo sát di động để thu thập các mẫu không khí và đất tại các địa điểm được chỉ định hoặc các điểm nóng có thể
+ Thu thập thêm các mẫu không khí thông qua các thiết bị quan trắc phóng xạ trong các trạm cứu hỏa đã được chỉ định để tăng cường giám sát mức phóng xạ gamma xung quanh
+ Theo dõi và phân tích chặt chẽ dữ liệu phóng xạ nhận được từ Quảng Đông và Macao
- Nước cấp
+ Giám sát chặt chẽ chất lượng nước thông qua Hệ thống giám sát nhiễm phóng xạ nước trực tuyến và lấy mẫu tăng cường tại các hồ chứa nước, công trình xử lý nước và vòi nước của người tiêu dùng.
- Động vật dùng cho thực phẩm sống và thức ăn.
+ Tăng số lượng mẫu thực phẩm được thu thập tại các điểm kiểm soát biên giới, chợ bán buôn và bán lẻ.
- Nước biển
+ Thu thập mẫu nước tại các bãi biển và khu nuôi cá để phân tích
Công tác thông báo về sự cố hạt nhân
Ngoài hệ thống quan trắc phóng xạ môi trường, Hong Kong có thể được cảnh báo về một sự cố hạt nhân có thể xảy ra thông qua các phương tiện trực tiếp sau:
- Thông báo bởi chính quyền Quảng Đông (GD).
- Thông báo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Cơ quan Hong Kong Observatory sẽ nhận thông tin sự cố hạt nhân từ IAEA.
- Thông báo của cơ quan CLP Power Hong Kong Limited (CLP). Theo Pháp lệnh Điện lực, CLP có nghĩa vụ thông báo cho Bộ Dịch vụ Điện và Cơ khí về việc mất hoặc sắp mất nguồn cung cấp điện cho Hong Kong từ GNPS (một nguồn điện bên ngoài Hong Kong), có thể có hoặc không liên quan đến tai nạn hạt nhân.
Các cấp độ kích hoạt của kế hoạch DBCP
Dựa trên dữ liệu quan trắc phóng xạ và tư vấn từ các bộ phận kỹ thuật, Bộ trưởng An ninh sẽ quyết định mức kích hoạt phù hợp.
Các mức kích hoạt kế hoạch DBCP thể hiện các mức độ khác nhau của các biện pháp khẩn cấp với mức độ rủi ro đối với Hong Kong. Các mức kích hoạt DBCP và mối quan hệ của chúng với các cấp độ ứng phó khẩn cấp của nhà máy điện hạt nhân quốc gia trong GNPS / LNPS như sau:
Cấp độ kích hoạt DBCP
Các cấp độ ứng phó khẩn cấp của nhà máy điện hạt nhân tại GNPS / LNPS
Cấp độ quan sát
Cấp độ Sẵn sàng
Cấp độ kích hoạt một phần
Cấp độ kích hoạt đầy đủ
Chế độ chờ
Khẩn cấp tại nhà máy
Khẩn cấp tại địa điểm nhà máy
Khẩn cấp ngoài địa điểm nhà máy
Các cơ quan liên quan sẽ thực hiện các hành động cần thiết theo mức độ kích hoạt.
Khuyến cáo cho công chúng
Trong trường hợp xảy ra khẩn cấp hạt nhân ở Vịnh Daya, dân chúng nên:
- Không hoảng hốt. Hành động một cách bình tĩnh và có kiểm soát. Thông thường trong trường hợp khẩn cấp, ảnh hưởng của hoảng loạn còn tồi tệ hơn chính trường hợp khẩn cấp.
- Nghe thông báo trên truyền hình và đài phát thanh và làm theo hướng dẫn (bao gồm các hành động bảo vệ và tránh tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm), nếu có.
- Không trở thành nạn nhân của những tin đồn.
- Nếu bạn đang ở trong tình huống nguy hiểm đến tính mạng hoặc tài sản, hãy gọi 999.
Tùy thuộc vào tình hình thực tế, chính phủ có thể thực hiện các biện pháp ứng phó cần thiết. Các mức độ can thiệp của các biện pháp ứng phó được đề xuất bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và được Nhóm Tư vấn an toàn phóng xạ thông qua.
Sơ tán
Người ta không dự tính trường hợp khẩn cấp hạt nhân ở Vịnh Daya sẽ nảy sinh nhu cầu sơ tán người dân ở Hồng Kông. Như một biện pháp phòng ngừa, cư dân ở Ping Chau (đảo nhỏ của Hong Kong), du khách đến Ping Chau và các tàu trong vịnh Mirs trong vòng 20 km từ Vịnh Daya có thể cần phải sơ tán.
Trong trường hợp đó, người dân và du khách ở Ping Chau nên làm theo hướng dẫn và khuyến cáo của các nhân viên cứu hộ. Giữ bình tĩnh và không hốt hoảng. Nên thực hiện các hành động cần thiết đã được chỉ dẫn nếu bạn được yêu cầu sơ tán.
1. Thu thập quần áo và vật dụng cá nhân để mang theo bên mình
2. Kiểm tra ngôi nhà để xem tất cả các vòi nước, đèn và thiết bị đã tắt. Đóng và khóa tất cả các cửa sổ và cửa ra vào.
3. Khi nghe tiếng còi báo động, tập hợp tại một trong những nơi được chỉ định để trú ẩn chờ sơ tán.
Các nhân viên cứu hộ tại các nhà tạm trú ở Ping Chau sẽ tạo điều kiện cho việc sơ tán có trật tự.
Trú ẩn
Người ta không dự tính tình trạng khẩn cấp hạt nhân ở Vịnh Daya sẽ làm nảy sinh nhu cầu trú ẩn cho các khu vực dọc theo đường đi của đám mây phóng xạ cách Vịnh Daya xa hơn 20 km.
Nếu bạn được khuyên nên ở trong nhà trong khi đám mây phóng xạ đi qua (có thể kéo dài trong vài giờ tùy thuộc vào điều kiện thời tiết), bạn nên:
- Đóng tất cả các cửa sổ và cửa ra vào.
- Tắt máy sưởi, tắt chế độ trao đổi không khí của máy điều hòa không khí và bất kỳ hệ thống thông gió nào khác.
- Nghe radio và TV hoặc kiểm tra các trang web của Chính phủ để biết thông tin khẩn cấp.
- Tránh sử dụng điện thoại, bao gồm cả điện thoại di động, để tránh làm quá tải hệ thống và can thiệp vào liên lạc khẩn cấp.
Sử dụng chất ức chế tuyến giáp
I-ốt phóng xạ là một trong những sản phẩm phân hạch phổ biến nhất được thoát ra trong một vụ tai nạn hạt nhân. Những người ở gần khu vực xảy ra tai nạn và người ứng cứu khẩn cấp có thể bị phơi nhiễm iốt phóng xạ ở mức độ đáng kể. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là nhóm dễ mắc bệnh hơn. Chất ức chế tuyến giáp, (tức là iốt bền) được sử dụng trước hoặc trong vài giờ sau khi xuất hiện đám mây phóng xạ có thể ngăn chặn hiệu quả sự hấp thu iốt phóng xạ của tuyến giáp và do đó làm giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp.
Chính phủ Hong Kong đã dự trữ chất ức chế tuyến giáp để sử dụng khẩn cấp. Nếu cần, Chính phủ sẽ đưa ra thông báo và hướng dẫn. Các bộ phận ứng phó khẩn cấp sẽ phân phối các chất ức chế tuyến giáp để  các nhóm cụ thể của cộng đồn sử dụng.
Đánh giá thận trọng là chỉ những người di tản từ Ping Chau và vịnh Mirs và những người ứng cứu khẩn cấp liên quan đến việc sơ tán có thể cần chất ức chế tuyến giáp. Trước các tác dụng phụ có thể xảy ra, mọi người chỉ nên sử dụng các chất này khi được Chính phủ tư vấn.
Biện pháp ứng phó phơi nhiễm qua hệ tiêu hóa
Tại nơi bụi phóng xạ rơi lắng, và tùy thuộc vào mức phóng xạ, có thể có nguy cơ thực phẩm và nước tiếp xúc với môi trường ngoài trời bị ô nhiễm. Tùy thuộc vào tình hình, Chính phủ Hong Kong có thể xem xét áp dụng kiểm soát thích hợp đối với việc phân phối thực phẩm và nước.
Một số mặt hàng thực phẩm như rau lá và trái cây được trồng ngoài trời đặc biệt dễ bị nhiễm phóng xạ. Ngoài ra, các hạt nhân phóng xạ có thể xuất hiện trong sữa được sản xuất bởi những con bò sữa đã chăn thả trên đồng cỏ bị ô nhiễm bụi phóng xạ.
DBCP cung cấp các biện pháp đối phó với việc ăn phải thực phẩm và nước bị ô nhiễm, bao phủ một khu vực ở khoảng cách lên tới 85 km từ Vịnh Daya, tức là toàn bộ Hồng Kông.
Thực phẩm, động vật thực phẩm sống và nước đến từ Đại lục hoặc được sản xuất tại địa phương hoặc có sẵn sẽ được theo dõi chặt chẽ về khả năng nhiễm phóng xạ.
Dân chúng nên chú ý đến lời khuyên của chính phủ về việc tiêu thụ thực phẩm, sữa hoặc nước.
Các biện pháp kiểm soát biên giới
Theo lời khuyên chuyên nghiệp của các cơ quan y tế quốc tế, không giống như mầm bệnh của các bệnh truyền nhiễm, ô nhiễm phóng xạ thường không lan truyền. Nó không nhân lên theo thời gian. Ngược lại, nó sẽ giảm đáng kể theo thời gian và khoảng cách do phân rã phóng xạ và các biện pháp vệ sinh cá nhân cơ bản. Rất khó xảy ra đối với người và hàng hóa, ngay cả khi chúng bị nhiễm bẩn trực tiếp tại các địa điểm bên ngoài các nhà máy hạt nhân, gây ra nhiễm bẩn hay gây hại cho người khác. Do đó, nói chung, ô nhiễm phóng xạ của một người có nhiều rủi ro về sức khỏe cá nhân hơn là rủi ro sức khỏe cộng đồng ảnh hưởng đến dân số nói chung.
Các đơn vị tiền tiêu có hành động để giám sát khách du lịch và hàng hóa trở về nước khi cần thiết.
Hỗ trợ người bị ô nhiễm
Nếu các thành viên sơ tán của công chúng và khách du lịch địa phương và khách đến từ đại lục bị ô nhiễm, họ cần phải được theo dõi và khử nhiễm. Khi cần thiết, họ có thể cần được điều trị y tế thêm. Mặc dù ô nhiễm phóng xạ thường không gây ra rủi ro sức khỏe cộng đồng, nhưng các cá nhân có thể lo lắng rằng họ có thể bị nhiễm bụi phóng xạ. Để giải quyết lo lắng của cộng đồng và để tránh quá tải các cơ sở bệnh viện công bởi tất cả các trường hợp nghi ngờ, sẽ có các bố trí, sắp xếp sau:
- Một cơ chế được đặt ra cho hoạt động của các trung tâm giám sát (MC) để thực hiện giám sát phóng xạ cũng như các dịch vụ khử nhiễm đơn giản và ngay lập tức cho những người có nhu cầu, giúp giảm bớt lo lắng trong dân chúng và cũng giúp các bệnh viện công giảm nhu cầu dịch vụ không cần thiết .
- Việc loại bỏ quần áo bên ngoài và sử dụng khăn giấy sạch trên da có thể loại bỏ được 90% ô nhiễm. Quy trình khử nhiễm này sẽ được thực hiện tại chỗ (ví dụ: tại các điểm nhập cảnh) cho những người có nhu cầu. Chỉ những người vẫn được phát hiện bị ô nhiễm sau các thủ tục này có thể cần phải được gửi đi tắm hoặc điều trị.
- FSD đã mua các thiết bị khử nhiễm di động có thiết bị tắm và sẽ triển khai chúng đến các địa điểm ưu tiên (ví dụ: các tụ điểm để sơ tán) để đáp ứng nhu cầu của cả thành viên sơ tán và người ứng cứu khẩn cấp.
- Các trung tâm điều trị phóng xạ khẩn cấp ở khu vực bệnh viện công sẽ bắt đầu hoạt động song song với các MC để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cấp ba cho những người không thể điều trị bởi MC.
Di tản Ping Chau và Vịnh Mirs
Khi có một trường hợp khẩn cấp hạt nhân tại địa điểm hoặc ngoài địa điểm nhà máy điện hạt nhân ở Vịnh Daya, bất kể cư dân ở mức phóng xạ nào của Ping Chau, du khách đến Ping Chau và tàu trong vùng nước của Vịnh Mirs có thể được khuyến cáo nên sơ tán ngay lập tức như một biện pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, nếu sơ tán ngay lập tức là không khả thi, nơi trú ẩn tạm thời sẽ được thu xếp.
Thông báo sơ tán
Còi báo động để cảnh báo du khách ở Ping Chau sơ tán. Tàu cảnh sát cũng sẽ sử dụng hệ thống thông báo công cộng của họ để cảnh báo.
Trung tâm giao thông tàu biển (VTC) của Cục Hàng hải sẽ sử dụng camera khảo sát trực tuyến của họ đặt tại Ping Chau để theo dõi mặt biển ở vịnh Mirs. VTC cũng sẽ thông báo cho tất cả các tàu về việc sơ tán thông qua điện thoại vô tuyến. Tàu cảnh sát cũng hỗ trợ VTC trong việc thông báo cho các tàu di tản.
Những người được yêu cầu sơ tán nên làm theo hướng dẫn và lời khuyên của các nhân viên cứu hộ. Giữ bình tĩnh và không hoảng loạn. Thực hiện các hành động cần thiết theo chỉ dẫn khi được yêu cầu sơ tán.
Hành động được thực hiện khi nghe tiếng còi báo động:
Cư dân Ping Châu, Du khách của Ping Chau:
Cả cư dân và du khách đều có những hướng dẫn cụ thể để có những hành động phù hợp trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân tại 2 nhà máy điện hạt nhân tại Vịnh Baya. Những chỉ dẫn này được tìm thấy trên trang web chuyên ngành hoặc các hình thức thông tin đại chúng thích hợp.
Vị trí của các nơi trú ẩn tạm thời, hướng dẫn trú ẩn và sử dụng chất ức chế tuyến giáp
1. Nếu tàu không có sẵn trong một khoảng thời gian ngắn, hãy tập hợp tại một trong những nơi trú ẩn tạm thời được qui định trong kế hoạch ứng phó sự cố.
Bản đồ vị trí của các nơi tạm trú ở đảo Ping Chau
2. Khi đến nơi trú ẩn, hãy ở trong nhà, đóng tất cả các cửa ra vào và cửa sổ, tắt hệ thống thông gió, lắng nghe thông tin khẩn cấp trên tivi và làm theo chỉ dẫn của nhân viên cứu hộ.
3. Các nhân viên cứu hộ tại các điểm tập hợp sẽ  tạo điều kiện cho việc sơ tán trật tự trên đảo.
4. Để ngăn chặn sự hấp thụ iốt phóng xạ của tuyến giáp và giảm nguy cơ ung thư tuyến giáp, du khách nên dùng thuốc ức chế tuyến giáp như một biện pháp phòng ngừa.
3. NHẬN XÉT
Mặc dù khả năng xảy ra tai nạn hạt nhân của các nhà máy điện hạt nhân là rất thấp nhưng các tai nạn hạt nhân đã xảy ra cho chúng ta thấy rằng nhu cầu xây dựng kế hoạch chuẩn bị và ứng phó sự cố hạt nhân luôn là ưu tiên hàng đầu đối với các quốc gia có điện hạt nhân và các quốc gia có chung biên giới với quốc gia có nhà máy điện hạt nhân.
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, các nước có nền công nghệ hạt nhân đã xây dựng và ban hành nhiều tài liệu liên quan về công tác chuẩn bị và ứng phó với tai nạn hạt nhân và chúng được coi là cẩm nang cho nhiều quốc gia trong quá trình xây dựng kế hoạch ứng phó tai nạn hạt nhân.
Đối với việc xây dựng kế hoạch ứng phó tai nạn hạt nhân, cách chính tắc và hợp lý nhất là tham khảo các tài liệu của các tổ chức quốc tế như IAEA, tài liệu của các nước có nhà máy điện hạt nhân, và tài liệu của các quốc gia không có nhà máy điện hạt nhân, nếu có.
Chúng tôi giới thiệu kế hoạch ứng phó tai nạn hạt nhân của Hong Kong bởi Hong Kong có vị trí địa lý đối với các nhà máy điện hạt nhân của Trung quốc tương tự với phía bắc Việt Nam, khả năng bị ảnh hưởng do tai nạn hạt nhân từ nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc cũng tương đồng. Do vậy, chúng ta có thể có thêm hiểu biết, kinh nghiệm từ các tài liệu của Hong Kong cũng như những nội dung, vấn đề cần được đề cập trong kế hoạch.
Ngoài ra, chúng ta có thể tìm kiếm và tham khảo thêm tài liệu từ các quốc gia khác có hoàn cảnh giống chúng ta để có thể xây dựng kế hoạch ứng phó đầy đủ, khả thi, hiệu quả.
P.ANTS, Cục ATBXHN
Tin bài khác
Online: 8
Số lượt truy cập: 10305351
Lên đầu trang
SSL