Tại sao thế giới chúng ta cần hạt nhân?
00:12 06/09/2005: Dưới đây là quan điểm của Hiệp hội Hạt nhân Thế giới. Ban Biên tập hoan nghênh và chân thành cảm ơn mọi ý kiến trao đổi của bạn đọc.

1. Năng lượng hạt nhân là một giải pháp kinh tế, an toàn và là nguồn năng lượng sạch đảm bảo sự phát triển bền vững trong việc thỏa mãn nhu cầu điện năng đang tăng mạnh trên toàn cầu.

- Vào năm 2005, tiêu thụ năng lượng của thế giới sẽ gấp đôi và nhu cầu điện năng sẽ gấp ba. Mức tiêu thụ ghê gớm đó, mà phần lớn ở các nước đang phát triển, không thể thỏa mãn được nhờ “năng lượng mới” như gió, mặt trời cho dù các nguồn này có thể đóng vai trò quan trọng ở một số vùng nào đó.

- Rất hiện thực, năng lượng hạt nhân là một công nghệ sạch, có khả năng mở rộng trên quy mô lớn để cung cấp nguồn điện ổn định liên tục. Nguồn tài nguyên uranium còn phong phú và triển vọng cung cấp nhiên liệu với giá ổn định rất sáng sủa.

- Một phần ba dân số trên thế giới chưa được dùng điện, một phần ba nữa chỉ dùng điện một cách hạn chế. Trong cuộc vật lộn đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình, một số nước đang phát triển đông dân có thể làm tăng phát thải CO2 ở tầm toàn cầu.

- Uranium là nguyên tố tự nhiên và phóng xạ tự nhiên của nó vẫn ở quanh chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.

- Nhiều nước có chính sách năng lượng gắn chặt với năng lượng hạt nhân, trong số đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc với tổng số dân chiếm một nửa dân số toàn cầu. Hiện có 440 tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động ở 31 quốc gia tạo cho sản lượng chiếm 16% tổng điện năng thế giới và 30 tổ máy nữa đang xây dựng.

2. Lò phản ứng hạt nhân thực sự không phát thải, sử dụng chúng để phát điện có thể giúp kiềm chế được mối nguy hiểm nóng lên toàn cầu và thay đổi khí hậu. Bất kỳ một chiến lược nào thực sự muốn ngăn chặn mối đe dọa chưa từng có này đều cần đến năng lượng hạt nhân.

- Carbon dioxide (CO2) là chất chính yếu gây lên hiệu ứng nhà kính và hiện tượng ấm lên toàn cầu.  Nhiên liệu hoá thạch (than, dầu, khí đốt) khi được dùng để sản xuất điện hay dùng trong động cơ xe cộ và máy móc, sẽ phát tán khí CO2 trực tiếp vào không khí. Năng lượng hạt nhân hầu như không thải khí CO2 hay bất kỳ khí gây hiệu ứng nhà kính nào.

- Các chuyên gia khí hậu cảnh báo rằng chúng ta cần cắt giảm phát thải CO2  toàn cầu từ 25 tỷ tấn hàng năm xuống 10 tỷ tấn, thậm chí cả khi tăng sản xuất năng lượng.

- Các nhà máy điện hạt nhân hàng năm giúp tránh thải 2,5 tỷ tấn CO2  một lượng tương đương một nửa số khí thải của ngành vận tải thế giới. Mở rộng công suất hạt nhân đồng nghĩa giảm thải chất gây hiệu ứng nhà kính được nhiều hơn.

- Năng lượng hạt nhân còn giúp giảm bớt ô nhiễm không khí và bề mặt trái đất. Lò phản ứng hạt nhân không thải ra khói (nguyên nhân gây ra sương mù và các bệnh về đường hô hấp) và các chất khí tạo nên mưa a xit (huỷ hoại rừng và ao hồ).

- Khi đánh giá tác động sinh thái của toàn bộ chu trình bằng các trọng số sử dụng tài nguyên, ảnh hưởng đến sức khỏe, hậu quả của chất thải thì năng lượng hạt nhân vượt lên trên các phương án năng lượng thông thường khác và ngang bằng với năng lượng mới.

3. Chất thải phóng xạ không phải là điểm yếu mà là đặc thù của năng lượng hạt nhân.So với lượng thải khổng lồ của năng lượng hóa thạch vào khí quyển, lượng chất thải hạt nhân nhỏ, được quản lý tốt và có thể cất giữ mà không gây nguy hại cho con người mà môi trường.

- Chất thải phóng xạ được kiểm soát theo cách ngăn không để chúng bị đánh cắp hay làm ô nhiễm môi trường xung quanh. Phần lớn nhiên liệu đã qua sử dụng được giữ tại nhà máy. Chất thải mức cao được xếp trong thùng thép dày chống ăn mòn và đặt sâu trong lòng đất nơi có kiến tạo ổn định và được theo dõi cẩn thận. Các nhà khoa học đánh giá rằng các khu chôn đó giữ được an toàn trong hàng thiên niên kỷ.

- Chất thải phóng xạ mức cao của nhà máy tái chế nhiên liệu được gốm hoá hay thuỷ tinh hoá. Hiện nay Hoa Kỳ, Phần Lan, Thụy Điển đang đi đầu về kỹ thuật chôn ngầm.

- Đã có hơn 100 lò phản ứng năng lượng chấm dứt hoạt động và đang trong giai đoạn thanh lý. 9 lò đã xong phần tháo dỡ hạt nhân.

- Tất cả các nước có sản xuất điện hạt nhân chịu hoàn toàn trách nhiệm quản lý an toàn chất thải sinh ra trong hoạt động hạt nhân của họ.

- Ở những nước sử dụng kỹ thuật hạt nhân, lượng chất thải phóng xạ không quá 1% chất thải công nghiệp độc hại khác. Có điểm khác biệt là tính phóng xạ của chất thải hạt nhân giảm dần theo thời gian do phân rã tự nhiên còn tính độc của các chất thải công nghiệp khác hầu như vĩnh viễn.

- Công nghiệp hạt nhân cam kết công khai minh bạch khi ra quyết định, tạo sự đồng thuận với cộng đồng dân cư trong quản lý chất thải.

4. Điện hạt nhân có thành tích an toàn xuất sắc hơn hẳn so với các công nghiệp năng lượng khác trong quãng kinh nghiệm vận hành trên 110.000 lò.

-  Tại nạn Chernobyl năm 1986 tại Ukraine, tai nạn duy nhất gây chết người đã bôi nhọ hình ảnh năng lượng hạt nhân. Loại lò này thiếu hẳn cấu trúc tường ngăn có tác dụng chặn chất phóng xạ không cho rò thoát ra ngoài trong trường hợp khẩn cấp và chắc chắn ngày nay nó sẽ không bao giờ được cấp giấy phép hoạt động.

-  Vụ Chernobyl thúc đẩy thành lập Liên đoàn các nhà vận hành hạt nhân thế giới, một tổ chức nghề nghiệp quan tâm tới từng lò phản ứng thương mại trên thế giới và thông qua nó, chủ các công ty điện lực áp dụng những tiêu chuẩn thực tiễn tốt nhất như một phần văn hoá an toàn hạt nhân toàn cầu.

-  Trong bất cứ hoàn cảnh nào, một lò phản ứng hạt nhân không bao giờ xảy ra nổ như bom nguyên tử.

-  Hồ sơ cho thấy rằng điện hạt nhân thương mại an toàn hơn rất nhiều so với các hệ thống dùng nhiên liệu hoá thạch cả về mặt rủi ro cho con người trong khi sản xuất nhiên liệu, cả về mặt ảnh hưởng sức khoẻ và môi trường khi tiêu thụ. Những tai nạn chết người xảy ra thường xuyên trong các vụ vỡ đập thuỷ điện, nổ mỏ than hay cháy ống dẫn dầu.

- Chế độ quy phạm hạt nhân nghiêm ngặt cả ở tầm quốc gia và quốc tế đảm bảo an toàn cho người lao động, công chúng và môi trường. Mỗi nhà máy điện hạt nhân được yêu cầu dành ưu tiên hàng đầu cho các biện pháp an ninh và những kế hoạch cứu hộ nhằm bảo vệ công chúng trong tình huống xấu.

-  Ngày nay, các lò phản ứng hạt nhân áp dụng triết lý “phòng thủ theo chiều sâu” nghĩa là gồm nhiều lớp bảo vệ vững chắc và các hệ an toàn dự phòng - để ngăn chặn rò rỉ phóng xạ thậm chí trong điều kiện tai nạn xấu nhất.

5. Vận chuyển vật liệu hạt nhân, đặc biệt là nhiên liệu mới, nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải, trong suốt bốn thập kỷ qua hiếm khi gây rò thoát phóng xạ, thậm chí cả khi có tai nạn.

- Nguyên, vật liệu hạt nhân đã và đang được chuyên chở bằng đường bộ, đường sắt và đường biển. Ngành công nghiệp hạt nhân đã thực hiện trên 20.000 chuyến hàng, chở hơn 50.000 tấn trên quãng đường tổng cộng khoảng 30 triệu kilomet.

- Những quy định quốc gia và quốc gia khắt khe đòi hỏi việc vận chuyển phải sử dụng những thùng chứa được thiết kế đặc biệt có lớp vỏ thép dày, chịu được những va chạm mạnh và chống được đập phá.

- Do có năng lượng khổng lồ trong khối lượng nhiên liệu uranium nhỏ nên năng lượng hạt nhân cần chuyển rất ít. Trái lại những chuyến hàng nhiên liệu hoá thạch là một gánh nặng của hệ thống chuyên chở quốc tế với mối đe doạ môi trường, nhất là hiểm họa ô nhiễm dầu.

6. Nhà máy điện hạt nhân là thiết bị công nghiệp vững chắc, an toàn và được bảo vệ tốt nhất trên thế giới.

- Kể từ cuộc tấn công khủng bố tháng 9/2001, những người vận hành lò và giới chức chính phủ trên khắp thế giới đã xem xét lại vấn đề an ninh và đã nâng cấp hệ thống an ninh nhà máy điện hạt nhân.

- Nhà máy điện hạt nhân ở Hoa Kỳ sẽ không là hiểm họa đối với cư dân địa phương, thậm chí cả khi một máy bay cố tình đâm vào. Lớp vỏ thép và lớp bê tông được gia cố cùng cấu trúc bên trong hạn chế tối thiểu khả năng rò thoát phóng xạ trong trường hợp như vậy.

7. Phát điện bằng năng lượng hạt nhân không làm tăng nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Chế độ thanh sát quốc tế mà Liên hiệp quốc được uỷ quyền thi hành và được hỗ trợ bởi hoạt động thanh tra đột xuất có thể phát hiện được mọi ý đồ muốn chuyển thiết bị và nhiên liệu hạt nhân dân sự sang mục đích quân sự.

- Việc phát hiện ra chương trình vũ khí hạt nhân ngầm của I Rắc vào đầu những năm 1990 cho thấy hệ thống giám sát phòng ngừa các chương trình hạt nhân bí mật vẫn còn khiếm khuyết. Ngày nay, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tăng cường năng lực kỹ thuật và mở rộng quyền lực thanh tra để lật tẩy những chương trình hạt nhân bất hợp pháp.

- Nhiên liệu hạt nhân chủ yếu là uranium có độ giàu thấp không thể dùng chế tạo vũ khí hạt nhân. Còn plutonium trong nhiên liệu đã cháy không đủ để làm vũ khí.

- Nhà máy điện hạt nhân có thể giúp loại trừ đầu đạn hạt nhân quân sự bằng cách đốt vật liệu phân hạch tháo ra từ các đầu đạn trong các lò phản ứng hạt nhân thông thường. Hiện nay, một nửa số nhà máy điện hạt nhân của Hoa Kỳ đang sử dụng nhiên liệu lấy từ các vũ khí hạt nhân bị dỡ bỏ của Nga trong chương trình mang tên “biến megaton thành megawatt”.

8. Điện hạt nhân có thể cạnh tranh bằng kinh tế và sẽ cạnh tranh hơn khi tính đến chi phí môi trường liên quan đến những tổn hại do phát thải Carbon.

- Ở bất kỳ đâu, khi được sử dụng, năng lượng hạt nhân giúp đảm bảo sự tin cậy và an ninh năng lượng, đó lại là cơ sở cho kinh tế ổn định và tăng trưởng.

- Năng lượng hạt nhân cần sự ủng hộ của chính phủ nhưng không dựa vào trợ cấp của chính phủ. Trong khi đó, nhiên liệu hoá thạch được lợi nhờ những chi phí xử lý ô nhiễm mà chính phủ phải gánh nhưng không được tính vào kinh tế của năng lượng hoá thạch.

- Hạt nhân là ngành công nghiệp năng lượng duy nhất có trách nhiệm về tất cả chất thải của mình và tính đủ những chi phí đó trong giá bán điện. Năng lượng hạt nhân thậm chí còn cạnh tranh hơn nếu như tất cả các nguồn năng lượng đều chịu các loại chi phí chôn giữ chất thải và chi phí xã hội một cách bình đẳng.

- Trong 50 năm phục vụ, điện hạt nhân là nguồn “tải đáy” quan trọng nhất của thế giới. Ở Liên Minh Châu Âu (EU), năng lượng hạt nhân là nguồn điện lớn nhất, chiếm 35% tổng sản lượng. Ở Nhật Bản, tỷ trọng hạt nhân là 30%. Tỷ lệ này là 75% ở Pháp và 20% ở Hoa Kỳ.

- Thông qua cải tiến công nghệ và quy trình, hiệu suất làm việc của lò hạt nhân ngày càng cao. Năm 1980, nhà máy hạt nhân ở Hoa Kỳ chỉ sử dụng 54% công suất thiết kế này thì nay đạt hơn 90%.

- Một khi được xây dựng, nhà máy điện hạt nhân vận hành với hiệu quả kinh tế cao. Chi phí nhiên liệu ổn định và chiếm phần nhỏ trong chi phí vận hành. Ngược lại, điện sản xuất bằng khí đốt có chi phí nhiên liệu cao và do đó giá thành trong tương lai khá bất định.

9. Công nghệ năng lượng hạt nhân tiên tiến và đa dạng tạo điều kiện phát triển tương lai bền vững cả ở nước công nghiệp và nước đang phát triển. Lò phản ứng hạt nhân còn được dùng để khử mặn nước biển nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch ngày càng tăng trên thế giới. Những thế hệ lò phản ứng hạt nhân mới đang được kỳ vọng để sản xuất hydro với lượng lớn cung cấp nhiên liệu cho ô tô năng lượng sạch.

- Một số thiết kế lò phản ứng mới áp dụng nguyên lý an toàn “thụ động”, thậm chí với trục trặc tồi tệ nhất và không có người vận hành, lò vẫn tự động nguội. Những đặc điểm khác của thiết kế mới chỉ là nhiên liệu, vốn xây dựng, chi phí vận hành giảm nhưng lại cải thiện được độ tin cậy và khả năng chống phổ biến vũ khí. Công nghệ hạt nhân không ngừng được cải tiến.

- Trong tự nhiên, hydro không tồn tại ở dạng có thể dùng cho mục đích năng lượng nhưng chỉ được tách ra, nó trở thành nguồn nhiên liệu cho vận tải rất sạch đối với môi trường. Chỉ có năng lượng hạt nhân tỏ ra có thể sản xuất hydro trên quy mô lớn. Ở Hoa Kỳ, nhu cầu hydro dành cho vận tải khoảng 230.000 tấn một ngày. Các lò phản ứng hạt nhân tương lai hoạt động với nhiệt độ cao có thể sản xuất một khối lượng lớn như vậy một cách hiệu quả nhờ sử dụng quá trình hoá-nhiệt.

10.  Thái độ tích cực của công chúng đối với năng lượng hạt nhân thực ra tốt hơn nhiều so với những gì mà ta người ta gán cho trong các cuộc tranh luận chung.

- Người Thụy Sĩ, trong một cuộc trưng cầu dân ý về những sáng kiến chống hạt nhân năm 2003, đã bỏ phiếu chọn phương án giữ các nhà máy hạt nhân của mình. Những điều tra khác cho thấy: hai phần người Mỹ ủng hộ sử dụng năng lượng hạt nhân; Người Thụy Điển, nổi tiếng có ý thức về môi trường thì có đến 80% muốn duy trì hoặc mở rộng điện hạt nhân; gần ba phần tư dân Nhật Bản nhận thức được giá trị năng lượng hạt nhân.

- Nói chung dân chúng không được thông tin đúng về năng lượng hạt nhân. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nhiều người vẫn tin rằng năng lượng hạt nhân làm trầm trọng, hơn là làm giảm bớt, mối nguy hiểm ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, tiếng chuông báo động về thay đổi khí hậu vang lên ngày càng dồn dập khiến con người ngày càng hiểu năng lượng hạt nhân là một phương cách an toàn và có tính xây dựng cao để khắc phục hiểm họa đang ngày một nghiêm trọng đối với sinh quyển Trái đất.

 Nguồn: Hiệp hội Hạt nhân Thế giới

Online: 207
Số lượt truy cập: 11433457
Lên đầu trang
SSL