Thời gian gần đây, một số báo chí đã đưa tin về những biểu hiện sức khoẻ khác lạ của một số cán bộ, chiến sỹ công an đã tham gia chuyên án 027Z, trong đó có 5 trường hợp bị các bệnh nặng: U não, u thuỳ phổi, u lao hồi manh trang, u xơ đùi, rối loạn sinh tuỷ. Câu hỏi được đặt ra là: Liệu có phải các cán bộ, chiến sỹ công an mắc các bệnh hiểm nghèo là do những ảnh hưởng khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn phóng xạ là tang vật của vụ án? Nguồn phóng xạ đó có phải là uran nghèo hay không? Đó cũng là điều trăn trở bấy lâu của các cơ quan chức năng cũng như bản thân các cán bộ, chiến sỹ công an đã tham gia chuyên án này.
Phóng viên Tạp chí Hoạt động Khoa học đã có buổi làm việc với ông Ngô Đặng Nhân - Cục trưởng Cục Kiểm soát và An toàn Bức xạ, Hạt nhân (KS&ATBXHN) và một số nhà khoa học là chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân và y học hạt nhân để tìm hiểu về vấn đề này.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Đặng Nhân - Cục trưởng Cục KS&ATBXHN cho biết: Ngay khi xuất hiện những tin tức đầu tiên trên báo chí về chuyên án 027Z, Cục KS&ATBXHN đã cử cán bộ gặp gỡ, trao đổi ý kiến với các nhà khoa học, tìm hiểu về nguồn phóng xạ được phát hiện trong chuyên án. Lãnh đạo Cục đã trực tiếp gặp các cán bộ có trách nhiệm của cơ quan công an để tìm hiểu về nguồn phóng xạ này.
Theo hồ sơ lưu trữ, nguồn phóng xạ tang vật thu được là khối uran nghèo có tổng khối lượng 4,6 kg; bên ngoài có khắc chìm một số ký hiệu và dòng chữ CAUSION RADIOACTIVE MATERIAL DEPLETED URANIUM (tạm dịch: Cảnh báo nguồn phóng xạ uran nghèo). Như vậy, đây không phải là uran làm giàu như một số báo đã đưa tin.
Ngay từ năm 2002, PGS Trần Thanh Minh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân (KH&KTHN) đã có bài viết về uran nghèo trên Tạp chí Thế giới mới (số 478). Trong đó, ông đã khẳng định: Số liệu đo liều lượng bức xạ trên bề mặt các uran nghèo cho thấy, độ nguy hiểm phóng xạ khi tiếp xúc rất thấp. Vấn đề chỉ trở thành phức tạp khi con người hít thở hay ăn uống vào trong cơ thể một lượng lớn vi hạt uran nghèo. Khi đó, nhiễm độc hoá học của uran cũng xảy ra tương tự các kim loại nặng khác.
Nhiều nhà khoa học khác cũng thống nhất rằng, tác động của uran nghèo không thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và dù có cũng không gây ra ung thư đối với những người có thời gian tiếp xúc từ vài giờ đồng hồ đến vài ngày.
Chúng tôi đã đề nghị Viện Nghiên cứu Hạt nhân tiến hành đo đạc một trong số các khối uran nghèo cùng loại, với khối lượng tương tự thì suất liều đo được ở bề mặt khối uran nghèo là 20 mSv/h và suất liều đo được ở khoảng cách 1 mét là bằng phông phóng xạ môi trường.
Thời gian qua, một số báo chí đã đưa tin về chuyên án 027Z và những trường hợp cán bộ, chiến sỹ công an đang mắc các bệnh hiểm nghèo, đồng thời cho rằng, chưa có căn cứ để khẳng định nguồn phóng xạ đó là uran nghèo. Quả thực, chuyên án này đã xảy ra cách đây 12 năm, tang vật của chuyên án này đã bị thất lạc, không ai biết nguồn phóng xạ này hiện đang được lưu giữ ở đâu. Trước tình hình này, chúng tôi xác định rằng, việc tìm lại nguồn phóng xạ là rất quan trọng, không chỉ chứng minh được đó chính là uran nghèo, mà còn có thể giúp các cơ quan chức năng đo đạc, hồi phục lại những chứng cứ khẳng định những bệnh hiểm nghèo đó có phải là do tiếp xúc với nguồn phóng xạ hay không, nguồn phóng xạ đó có phát ra tia gì khác ngoài tia alpha hay không,...
Chúng tôi đã yêu cầu Viện Nghiên cứu Hạt nhân và Viện KH&KTHN (là 2 nơi duy nhất trong cả nước lưu giữ các mẫu vật có uran nghèo) rà soát kỹ lưỡng những mẫu vật lưu giữ để tìm kiếm nguồn phóng xạ của chuyên án 027Z. Đến tối ngày 19.8.2007, tang vật này đã được tìm thấy tại Viện KH&KTHN. Các chuyên gia đã đo đạc và khẳng định rằng, đó chính là uran nghèo. Như vậy, những lo lắng về sự ảnh hưởng của nguồn phóng xạ đó đối với các cán bộ, chiến sỹ công an sẽ được giải thích và làm rõ.
Khả năng mắc bệnh hiểm nghèo của những người tiếp xúc với uran nghèo
Theo PGS Trần Thanh Minh, việc có một số cán bộ, chiến sỹ công an tham gia chuyên án 027Z bị mắc các bệnh hiểm nghèo là rất đáng lưu tâm. Tuy nhiên, nhiều khả năng có sự trùng hợp ngẫu nhiên, tức là có thể bị ung thư do các nguyên nhân thường gặp khác trong xã hội công nghiệp hoá hiện nay.
U238 chiếm hầu hết trong thành phần của uran nghèo, nó có phát ra bức xạ (chủ yếu là bức xạ alpha) với thời gian sống rất dài (tới nửa tỷ năm), nhưng tác động do chiếu xạ ngoài đối với cơ thể con người là không đáng kể. Theo quy luật vật lý, hạt nhân càng sống lâu, tốc độ phát ra bức xạ alpha càng ít. Mặt khác, loại bức xạ này (và cả bức xạ bêta) đều dễ dàng bị không khí và quần, áo cản hết nên hầu như không tác động đến cơ thể con người. Tóm lại, trong điều kiện bình thường, về mặt an toàn bức xạ, hiểm họa của uran nghèo rất thấp. Tuy nhiên, nó có thể gây nguy hiểm tương tự như các kim loại nặng khác nếu con người hít thở hoặc ăn, uống vào cơ thể một lượng lớn vi hạt uran nghèo (lúc này gọi là bị nhiễm xạ bên trong). Tuy nhiên, theo hồ sơ lưu trữ, ngày 24.8.1995, Bệnh viện 103 đã tổ chức khám, xét nghiệm mức độ nhiễm xạ của từng người trong chuyên án 027Z (31/39 người đến khám) và kết luận: Số cán bộ, chiến sỹ có tiếp xúc với chất phóng xạ chủ yếu bị chiếu xạ từ ngoài vào cơ thể, hiện không có dấu hiệu nhiễm xạ bên trong cơ thể.
GS Nguyễn Xuân Phách, nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y, một trong những chuyên gia đầu ngành y học hạt nhân của nước ta, đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo kiểm tra sức khỏe cho 31/39 cán bộ, chiến sỹ công an tham gia chuyên án 027Z cho biết: Lúc đó, chúng tôi đã kiểm tra xem các cán bộ, chiến sỹ công an tham gia chuyên án 027Z có bị nhiễm xạ cấp tính hay không (phải xem có bị nôn, bị giảm bạch cầu hay không). Nhiễm xạ mãn tính thì khó có khả năng xảy ra đối với những người chỉ tiếp xúc với uran nghèo trong vòng vài ba ngày. Nhiễm xạ vào bên trong cơ thể chỉ có thể xảy ra khi có bụi uran. Trong chuyên án 027Z không có hiện tượng bụi phóng xạ. Chúng tôi đã dùng thiết bị đo xạ toàn thân có độ nhạy giảm phông vùng 40K (1,46 MeV) là 91 lần, phép đo trong 1.000 s cho kết quả số xung đo trong giới hạn giải người bình thường và không có dấu hiệu nhiễm xạ do còn tồn đọng phóng xạ bên trong cơ thể.
Nếu bị ung thư do phóng xạ, thường có hiện tượng giảm bạch cầu lympho liên tục từ ngày tiếp xúc đến khi phát bệnh. Nếu đột xuất phát sinh ung thư mà không có số liệu về giảm bạch cầu thì khó khẳng định là ung thư do phóng xạ. Người tiếp xúc với nguồn phóng xạ có suất liều sát bề mặt 1-2 Sv/h thì mới có thể bị nhiễm xạ cấp tính (tức là phải tiếp xúc với nguồn phóng xạ có hoạt độ phóng xạ lớn gấp hàng trăm nghìn hoạt độ phóng xạ của nguồn trong chuyên án 027Z). Kết quả đo đạc một số khối uran nghèo cùng loại, có khối lượng tương tự cục phóng xạ trong chuyên án cho thấy, suất liều ở bề mặt là 20 mSv/h và cách 1 mét là bằng phông môi trường. Như vậy, nếu tiếp xúc ở khoảng cách dưới 1 mét và trong vòng 3 ngày thì tác động của chiếu xạ ngoài với cơ thể cũng không đáng kể. Các cán bộ, chiến sỹ công an trong chuyên án 027Z có thời gian tiếp xúc nhiều nhất với nguồn phóng xạ là từ 48 đến 60 giờ (những người trực tiếp truy bắt, bê nguồn, xử lý); những người khác chỉ có thời gian tiếp xúc từ vài chục phút đến vài giờ (đối với những người trực, giao ban tại phòng làm việc có lưu giữ nguồn phóng xạ), với khoảng cách tiếp xúc nguồn rất khác nhau.
Theo thống kê của ngành y tế, tuổi trung bình hay bị mắc các bệnh ung thư, di căn vào xương là 51 tuổi. Nếu trong số các cán bộ, chiến sỹ công an tiếp xúc với nguồn phóng xạ có một số người bị ung thư thì nên căn cứ vào độ tuổi trung bình của họ lúc đó để xác định có phù hợp với thống kê của ngành y tế hay không.
Câu trả lời cuối cùng
Ngày 20.8.2007, Cục KS&ATBXHN đã cùng với Viện KH&KTHN đã tiến hành xác định đặc tính phóng xạ của mẫu vật chuyên án 027Z. Các phép đo xác định đặc tính phóng xạ của mẫu vật gồm:
- Xác định trường liều bức xạ gamma theo các khoảng cách và các góc khác nhau (Viện KH&KTHN thực hiện);
- Xác định nhiễm bẩn bề mặt mẫu vật (Cục KS&ATBXHN thực hiện);
- Xác định thành phần đồng vị mẫu vật (Viện KH&KTHN thu phổ, Cục KS&ATBXHN xử lý).
Kết quả đo phổ gamma của mẫu vật cho thấy đây là khối uran nghèo: Suất liều gamma sát bề mặt của mẫu vật đo được là 25 mSv/h và cách mẫu vật 1m là 0,2 mSv/h (phông môi trường).
Mức độ nhiễm bẩn bề mặt xác định bằng phép thử lau chùi (phần nhiễm bẩn linh động): Hoạt tính alpha là (0,037 ± 0,004 Bq/cm2); hoạt tính bêta là (0,49 ± 0,05 Bq/cm2).
Với tổng diện tích bề mặt của mẫu vật là 284,7 cm2 thì phần bụi phóng xạ U238 (phần có khả năng xâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp hoặc ăn uống) là 10,57 Bq. Như vậy, có thể đánh giá mức liều tối đa các chiến sỹ công an có khả năng mắc phải trong khoảng 40 giờ tiếp xúc với tang vật vụ án như sau:
- Phần chiếu ngoài là 1.000 mSv; phần chiếu trong (nếu có) là 84,5 mSv. Tổng cộng mức liều tối đa các chiến sỹ công an có khả năng mắc phải khoảng 1.085 mSv (hay 1,085 mSv).
- So với mức liều giới hạn quy định cho các nhân viên bức xạ là 20 mSv trong một năm thì giá trị mức liều này nhỏ hơn gần 20 lần.
Để xác định tỷ số đồng vị U235/U238, các nhà khoa học đã sử dụng đỉnh gamma 186 keV do U235 phát ra với độ ra 0,572 và đỉnh 1001 do Pa234 cân bằng phóng xạ với U238 phát ra với độ ra 0,0083. Sử dụng mẫu chuẩn uran cân bằng phóng xạ xác định tỷ số 186U235/1001Pa234 = 11,8. Giá trị của tỷ số này trên mẫu vật (sau khi hiệu chính hiệu ứng tự hấp thụ của đỉnh 186 và 1001 trong mẫu vật để quy về mẫu vật có mật độ 1 g/cm3) là 0,826. Như vậy, với tỷ số đồng vị U235/U238 là 0,7% thì tỷ số đỉnh 186 do U235 phát ra với đỉnh 1001 do Pa234 phát ra là 11,8. Trong khi đó, giá trị của tỷ số này đối với mẫu vật là 0,862. Từ đó suy ra tỷ số đồng vị U235/U238 trong mẫu vật là 0,049%, nhỏ hơn rất nhiều so với giá trị 0,7% là giá trị của tỷ số đồng vị U235/U238 trong uran tự nhiên. Điều này chứng tỏ mẫu vật là sản phẩm uran nghèo.
Như vậy, có thể khẳng định rằng: Các cán bộ, chiến sỹ công an tham gia chuyên án 027Z khó có thể bị mắc các bệnh hiểm nghèo do ảnh hưởng của việc tiếp xúc với nguồn uran nghèo trong chuyên án, vì liều chiếu tối đa họ có khả năng phải chịu là nhỏ hơn so với quy định mà ngành y tế cho phép. Nhưng dù do nguyên nhân nàứo chăng nữa, xã hội (và đặc biệt là các cấp, ngành có liên quan) cần lưu tâm, hỗó trợ về mọi mặt cho những cán bộ, chiến sỹ công an đã và đang bị mắc bệnh hiểm nghèo.
Uran (Uranium) là một nguyên tố hoá học, ký hiệu bằng chữ U, đứng ở ô 92 trong bảng tuần hoàn Mendeleev. Có 3 loại uran, gọi là các đồng vị, khác nhau về khối lượng, đó là: U234, U235 và U238 (U238 là thành phần lớn nhất với 99,28%). U234 và đặc biệt là U235 là thứ quý nhất, là nhiên liệu phân hạch hạt nhân dùng trực tiếp trong lò phản ứng hay trong bom nguyên tử. Vì vậy, trong công nghệ hạt nhân, người ta tách chiết hỗn hợp uran ra khỏi đất đá, sau đó dùng các phương pháp ly tâm, khuếch tán khí… để tách U234 và U235 ra khỏi uran hỗn hợp, phần còn lại hầu như chỉ có U238 - loại vật liệu này gọi là uran nghèo (ngược lại, loại vật liệu có hàm lượng U235 cao gọi là uran giàu).
Về cơ lý, uran nghèo rất nặng và đặc biệt rất cứng. Trong quân sự, nó thường được dùng làm vỏ bọc đầu đạn chống tăng hoặc dùng để chắn đạn cho xe tăng. Trong dân dụng, uran nghèo dùng làm bộ phận thăng bằng trong máy bay và tàu thủy, hoặc để chế tạo các container chứa chất phóng xạ hoạt độ mạnh.
Theo Tạp chí HĐKH