15:03 15/07/2016: Bức xạ chiếu ngoài là bức xạ từ một nguồn ở bên ngoài cơ thể người. Mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngoài tồn tại khi bức xạ từ một nguồn ở ngoài cơ thể có khả năng gây ra tổn hại đối với cơ thể người. Mối nguy hiểm này khác với mối nguy hiểm bức xạ chiếu trong, nó tồn tại khi có khả năng chiếu xạ từ các chất phóng xạ thâm nhập vào cơ thể. Chúng ta sử dụng các phương pháp khác nhau để kiểm soát các mối nguy hiểm bức xạ chiếu trong và chiếu ngoài.
1. Ảnh hưởng của loại bức xạ tới mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngoài Các hạt Alpha và Bêta, các tia gamma, tia X và các hạt nơtron là các loại bức xạ khác nhau. Tuy nhiên không phải tất cả chúng đều có mối nguy hiểm chiếu ngoài. Hạt Alpha có quãng chạy rất ngắn trong không khí (vài cen ti mét) và không được xem là một mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngoài bởi vì chúng không thể xuyên qua các lớp da bên ngoài của cơ thể. Hạt Bêta có khả năng xuyên qua nhiều hơn so với các hạt alpha và khả năng đâm xuyên của hạt bêta phụ thuộc vào năng lượng của chúng. Các hạt bêta năng lượng cao có thể đi được vài mét trong không khí và cũng có thể xuyên qua lớp da bên ngoài tới vài mili-mét (ví dụ: hạt bêta có năng lượng 1 MeV gần da có thể xuyên gần 5 mili-mét). Nếu một dung dịch chứa hạt nhân phóng xạ phát bêta bị rớt trên da thì thậm chí một giọt nhỏ có thể gây ra một liều lớn đối với mô da. Một cơ quan đặc biệt quan trọng trong trường hợp chiếu xạ ngoài do các tia bêta là mắt – các hạt bêta không được xem là mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngoài đối với các cơ quan bên trong cơ thể. Tuy nhiên, hạt bêta năng lượng cao tương tác với các vật liệu có nguyên tử số cao sẽ dẫn tới tạo ra bức xạ hãm (tia X) và đây là một mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngoài lớn hơn các hạt bêta ban đầu. Tia X và tia gamma là dạng bức xạ điện từ sóng ngắn, chúng có khả năng đâm xuyên lớn và là một mối nguy hiểm đáng kể do chiếu ngoài. Năng lượng của các lượng tử gamma và tia X là một yếu tố quan trọng để xác định mức độ nguy hiểm chiếu ngoài. Nơtron cũng có khả năng đâm xuyên cao. Chúng truyền năng lượng cho cơ thể khi chúng bị tán xạ trong mô. Nơtron là một mối nguy hiểm quan trọng của chiếu ngoài, chúng đòi hỏi sự kiểm soát cẩn thận. Bảng 1. Tóm tắt các mối nguy hiểm tương đối của bức xạ chiếu ngoài.
Loại bức xạ
Mối nguy hiểm tương đối
Các hạt alpha
Không
Các hạt bêta
Không đáng kể với nội tạng
Các tia gamma
Nghiêm trọng
Các tia X
Nghiêm trọng
Các nơtron
Nghiêm trọng
2. Các nguồn nguy hiểm bức xạ chiếu ngoài Các mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngoài có thể được sinh ra từ hai nguồn. Một là từ các thiết bị mà khi vận hành sẽ tạo ra bức xạ ion hoá. Hai là từ các chất phóng xạ.
Các loại máy phát tia X là một loại phát bức xạ ion hoá phổ biến. Khi chúng vận hành tia X được tạo ra và thiết bị là một mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngoài. Tuy nhiên khi tắt máy các tia X sẽ không được sinh ra và mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngoài bị mất đi.
Ngược lại hạt bêta, tia X và tia gamma được phát ra từ các chất phóng xạ là một mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngoài liên tục. Các chất phóng xạ phát bức xạ liên tục nhưng chúng có thể được đặt vào trong các bình chứa hoặc bao xung quanh bằng vật liệu che chắn để làm giảm mối nguy hiểm bức xạ chiếu ngoài tới mức chấp nhận được.