Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát Bức xạ
Và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn và kiểm soát bức xạ
Cơ sở hạ tầng của quản lý Nhà nước về AT&KSBX (cũng như quản lý Nhà nước các lĩnh vực khác nói chung) gồm ba bộ phận cấu thành có quan hệ hữu cơ với nhau, quyết định hiệu lực và hiệu quả quản lý. Đó là:
1. Pháp luật
2. Tổ chức
3. Nguồn lực
Trong một Nhà nước pháp quyền, khi mà Nhà nước quản lý xã hội chủ yếu bằng công cụ pháp luật, nhiệm vụ tiên quyết của hoạt động quản lý là phải xây dựng một hệ thống pháp luật (hệ thống văn bản quy phạm pháp luật) hợp lý và đủ hiệu lực. Việc hình thành, phát triển tổ chức (hệ thống tổ chức cơ quan quản lý Nhà nước) và nguồn lực (tài chính, trang bị, nhân lực), cũng như triển khai mọi hoạt động nhất thiết phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật. Quản lý Nhà nước về AT& KSBX là một yêu cầu xuất phát từ thực tiễn khách quan, do vậy việc hình thành hệ thống pháp luật AT&KSBX trước hết là một yêu cầu khách quan.
Hệ thống pháp luật AT&KSBX (hoặc còn gọi là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về AT&KSBX) là hệ thống các văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự luật định, trong đó có các quy tắc xử sự chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội có liên quan đến AT&KSBX theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Quy phạm pháp luật AT&KSBX phải quy định những vấn đề sau:
1. Nguyên tắc và trách nhiệm bảo đảm ATBX
2. Cơ quan thẩm quyền Nhà nước về AT&KSBX
3. Hệ thống khai báo, đăng ký và cấp phép
4. Thanh tra và xử lý các vi phạm pháp luật ATBX
5. Miễn trừ khỏi sự quản lý Nhà nước
6. Xử lý sự cố bức xạ
7. Tiêu chuẩn, thủ tục, hướng dẫn cần thiết về ATBX và KSBX.