Các quốc gia cam kết tài trợ 9 triệu euro cho Sáng kiến chăm sóc ung thư của IAEA
09:09 25/07/2022: Sáu quốc gia đã cam kết hỗ trợ hơn 9 triệu euro cho sáng kiến mới của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) - Tia hy vọng (Rays of Hope) - được đưa ra vào đầu năm nay nhằm giải quyết khoảng cách toàn cầu trong việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc ung thư. Được công bố tại Hội nghị bàn tròn của các nhà tài trợ cấp cao do IAEA tổ chức mới đây, số tiền mà Pháp, Nhật Bản, Monaco, Hàn Quốc, Thụy Điển và Hoa Kỳ cam kết sẽ được sử dụng để mua thiết bị điều trị, nâng cao kỹ năng của nhân viên và chuyển giao kiến thức cần thiết để ngăn chặn tử vong do ung thư, trong đó 70% xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Hoa Kỳ và Nhật Bản trước đó đã tuyên bố ủng hộ sáng kiến Rays of Hope.
Trong hai thập kỷ tới, dự kiến số người chết hàng năm trên thế giới do ung thư gây ra có thể tăng từ 10 lên 16 triệu người. Nếu khả năng tiếp cận với chẩn đoán và điều trị ung thư có thể được mở rộng vào năm 2030, bao gồm cả thông qua các sáng kiến như Rays of Hope, nhiều trường hợp tử vong trong số này có thể tránh được. Tình trạng thiếu khả năng tiếp cận điều trị diễn ra trầm trọng nhất ở các quốc gia không có cơ sở vật chất và nhân viên được đào tạo về xạ trị. Xạ trị được công nhận là một công cụ thiết yếu trong việc chữa trị và giảm nhẹ bệnh ung thư, và là phương pháp cơ bản để điều trị hơn một nửa số bệnh nhân ung thư.
“Chúng ta cần cung cấp cho sáng kiến Rays of Hope quy mô và nguồn lực cần thiết để góp phần thực sự vào một cuộc khủng hoảng thực sự như chúng ta thấy ở các nước thu nhập thấp và trung bình,” Tổng Giám đốc Rafael Mariano Grossi cho biết tại Hội nghị bàn tròn các nhà tài trợ tổ chức tại trụ sở IAEA ở Viên. “Nhu cầu đang tăng lên, và thách thức của chúng ta là xác định nguồn tài trợ cần thiết và cung cấp hỗ trợ y tế khoa học và kỹ thuật cần thiết để biến sáng kiến Rays of Hope trở thành một công cụ hiệu quả.”
Tổng Giám đốc cảm ơn 6 quốc gia đã đóng góp cho sáng kiến Rays of Hope. Ông bày tỏ mong muốn rằng các Quốc gia Thành viên IAEA khác sẽ hỗ trợ thêm cho sáng kiến chăm sóc bệnh ung thư toàn cầu quan trọng này.
Mục tiêu của IAEA là giải quyết tình trạng bất bình đẳng toàn cầu trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc bệnh ung thư bằng cách cung cấp các gói giải pháp được thiết kế riêng cho các quốc gia có nhu cầu nhất - những quốc gia thiếu hoàn toàn các dịch vụ chăm sóc ung thư hoặc phạm vi không bao quát đủ. Trọng tâm ban đầu là châu Phi, nơi hơn 20 quốc gia không có một máy xạ trị để cung cấp phương pháp điều trị cho một nửa số bệnh nhân ung thư.
Các gói này bao gồm các dự toán tài chính giúp các nhà tài trợ hiểu được nhu cầu về thiết bị, nhân viên, đào tạo, cơ sở hạ tầng và chi phí hoạt động trong hai năm để hỗ trợ tốt hơn cho việc lập kế hoạch và tính bền vững. Các gói này được phát triển dựa trên đánh giá nhu cầu và phân tích kinh tế, có tính đến các yếu tố như số ca mắc mới mỗi năm, số lượng máy xạ trị cần thiết và số lượng nhân viên vận hành thiết bị.
Bê-nanh (Benin), quốc gia Tây Phi nằm trong số các quốc gia nhận được hỗ trợ, phù hợp đặc biệt theo sáng kiến Rays of Hope. Do không đủ nguồn lực và chẩn đoán muộn, 70% tổng số bệnh nhân ung thư ở Bê-nanh đã không qua khỏi trong năm 2018. Nhiều bệnh nhân phải tìm cách điều trị ở nước ngoài.
Với sáng kiến Rays of Hope, quốc gia này sẽ nhận được thiết bị y học hạt nhân và các hỗ trợ khác để thúc đẩy chẩn đoán và điều trị bệnh nhân. Sự hỗ trợ của IAEA sẽ bổ sung thêm cho các nỗ lực quốc gia đang thực hiện nhằm huy động các nguồn lực để xây dựng một bệnh viện ung thư mới, dự kiến khánh thành vào năm 2023.
“Chúng tôi đã không thể đáp ứng nhu cầu của chúng tôi trong cung cấp chẩn đoán và điều trị ung thư cần thiết. Để giải quyết việc này, chúng tôi đã quyết định xây dựng một hệ thống y tế, hệ thống này sẽ trở thành chuẩn mực cho những cái khác” Aristide Talon, Cố vấn Y tế cho Tổng thống của Bê-nanh cho biết. “IAEA đã và đang hỗ trợ chúng tôi về chuyên môn kỹ thuật thiết yếu trong quá trình xây dựng trung tâm chăm sóc bệnh ung thư đầu tiên của đất nước chúng tôi. Tôi muốn cảm ơn IAEA vì những nỗ lực chung trong việc tăng cường chăm sóc, kiểm soát và chẩn đoán ung thư” ông cho biết thêm khi nói về sự hợp tác lâu dài của Bê-nanh với IAEA.
Cùng với Bê-nanh, các nhà tài trợ tại Hội nghị bàn tròn đã khuyến khích các quốc gia khác tham gia cuộc họp để tham gia và xác nhận sự ủng hộ của họ đối với sáng kiến Rays of Hope. Kết hợp với các hoạt động đang diễn ra nhằm giải quyết bệnh ung thư, IAEA cũng sẽ làm việc với nhiều đối tác khác nhau thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các chính phủ, các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực tư nhân - để giúp đỡ các quốc gia trong cuộc chiến chống ung thư.